Quyết định lịch sử này không chỉ có lợi cho Mỹ và Cuba, mà còn có lợi cho cả khu vực và thế giới. Nó càng cho thấy cựu Thủ tướng Anh duy nhất từng nhận giải Nobel văn học Winston Churchill đã đúng, khi ông cho rằng: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.
Thế giới hiện đại càng cho thấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc luôn được đặt lên trên hết. Thậm chí, có nơi, có lúc, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, méo mó làm nảy sinh quái thai, dị dạng nào đó, đi ngược với trào lưu của thế giới văn minh tiến bộ. Nhưng, việc đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong mọi xử thế bang giao ngày nay đã tỏ ra là một xu thế không thể đảo ngược.
Bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn đã trở thành “cách tiếp cận lỗi thời” trong thế giới hiện đại ngày nay. Bạn bè thì thường ít khi “chơi” xấu, cài bẫy gây thiệt hại cho nhau. Nhưng, trước những hành vi “bạn” cố tình “xấu chơi”, thì bất kỳ chủ thể nào cũng không thể và không nên dĩ hòa vi quý, “ngậm bò hòn làm ngọt” được. Bạn bè “xấu chơi” thì phải đấu tranh, cảnh báo và ngăn chặn cho kỳ được. Còn, trong mọi xung đột, bất đồng, dẫu có là kẻ thù của nhau thì vẫn có thể tìm ra lối thoát có lợi, để có thể giải quyết xung đột, bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chưa kể, nếu gác thù thành bạn, gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, mang đến những lợi ích to lớn, thì lại càng là điều cần làm hơn hết vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc luôn bất biến.
Bởi thế, việc bình thường hóa và phát triển quan hệ thân thiện giữa hai nước láng giềng gần gũi nhau về địa lý như Mỹ và Cuba sẽ chỉ có lợi cho nhân dân hai nước cũng như quốc tế và khu vực. Quan điểm này được đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc nhiều lần khẳng định. Hơn ai hết, Việt Nam thấu hiểu những khó khăn và khổ đau mà nhân dân Cuba phải chịu đựng trong những năm tháng bị cấm vận kéo dài, mà đây lại là cuộc cấm vận dài nhất trong lịch sử thế giới cận đại, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và các qui định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc kéo dài những hành động cấm vận, gây sức ép kinh tế như vậy chỉ càng làm quyền lợi của chính Mỹ và cả Cuba đều bị mất mát, ảnh hưởng.
Những thống kê mới nhất cho thấy tổn thất kinh tế khổng lồ do cấm vận gây ra đối với cả Mỹ và Cuba. Theo Phòng Thương mại Mỹ, 54 năm cấm vận thương mại khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại 1.100 tỷ USD. Kinh tế Mỹ cũng thiệt hại 1,2 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, trong quãng thời gian nước Mỹ trải qua 11 đời tổng thống thì nước Mỹ thiệt hại 64,8 tỷ USD vì cấm vận Cuba. Dù cho những con số này chưa thể đầy đủ và có thể còn phiến diện, nhưng dường như chẳng có sự thiệt hại, mất mát nào có thể đo đếm được trong hơn nửa thế kỷ qua giữa Mỹ và Cuba. Vì giữa hai đất nước từng coi nhau là kẻ thù xuyên thế kỷ này, thì quyền lợi quốc gia bị mất mát là một lẽ, nhưng những tổn thương, thua thiệt vì cấm vận của hàng trăm triệu người dân cả hai nước thì không thể đếm xuể, không thể kể hết được.
Do vậy, Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ là điều không có gì ngạc nhiên. Dù không dễ dàng gì để Mỹ và Cuba sớm trở thành bạn bè thân thiết, nhưng việc hai nước cùng công bố bình thường hóa quan hệ, tiến đến bỏ cấm vận là xu thế không thể đảo ngược. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry – người góp phần không nhỏ trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba theo chính sách của Tổng thống Obama – cho rằng, động thái mới của Mỹ với Cuba cũng tương tự việc nước này bình thường hóa quan hệ với Hà Nội cách đây gần 20 năm, không dễ dàng nhưng đáng giá.
Ông John Kerry – một cựu binh từng tham chiến trong chiến tranh xâm lược Việt Nam giờ đang là quan chức ngoại giao số 1 Hoa Kỳ – nhớ lại: “Từ cách đây hơn 20 năm, tôi đã được trực tiếp chứng kiến 3 vị tổng thống – một Cộng hòa và hai Dân chủ – thực hiện nỗ lực tương tự nhằm thay đổi mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam”. Theo ông John Kerry, “điều đó không dễ dàng gì. Nhưng phải bắt đầu thì mới đi tiếp được”.
Cách đây hơn 20 năm, khi Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam ngày 3-2-1994 mở đường cho bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995, người viết bài này đã đặt tiêu đề cho một bài viết trên Báo An ninh Thủ đô tháng 2-1994 là “Mười tám năm, chín tháng cấm vận và sau đó…”. Quãng thời gian ấy đủ cho một thế hệ sinh ra và lớn lên, quãng thời gian ấy đủ để cả Hà Nội và Washington cùng nhận thức cần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Rồi tiếp sau, cũng phải mất thêm gần 20 năm nữa để quan hệ Việt – Mỹ có nhiều bước tiến hết sức quan trọng, trở thành đối tác như hiện nay.
Lịch sử thế giới hiện đại đang cho thấy bang giao quốc tế với những thay đổi ngoại giao chiến lược, không đơn thuần chỉ là những trận đấu thắng-thua. Càng như vậy, chúng ta càng thấm thía tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế. Tư tưởng ấy đến hôm nay vẫn mang tính thời sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải hết sức tránh đối đầu chừng nào còn có thể tránh được, tìm ra điểm đồng (cùng) giữa ta và họ, hiểu quan hệ giữa họ với nhau, không để Việt Nam bị “kẹp” trong xung đột nước lớn, thực hiện là bạn của tất cả các nước và “không gây thù oán với một ai”.
Cũng bởi vậy, làm bạn với tất cả các nước đồng thời đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, chính là quan điểm sáng rõ cho ngoại giao Việt Nam đương đại.