Hướng dẫn bà mẹ mới sinh cho trẻ bú đúng cách tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá mà không có loại thức ăn nào có thể thay thế được. Trong sữa mẹ có chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ nhỏ cần được đáp ứng trong giai đoạn phát triển đầu đời, từ chất đạm, đường, vitamin, chất khoáng cho đến các chất kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó sữa mẹ còn đóng vai trò giúp trẻ phát triển hệ miễn dịch một cách tự nhiên góp phần đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.
Khi cho trẻ bú mẹ, ngoài việc tăng cường tình cảm mẫu tử giữa hai mẹ con, người mẹ còn có nhiều lợi ích thiết thức cho sức khỏe như, giảm cân lấy lại vóc dáng trước khi sinh nhanh chóng, đồng thời vừa là biện pháp tránh thai hiệu quả và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.
Để đảm bảo cho trẻ thụ hưởng trọn vẹn lợi ích của nguồn sữa mẹ, điều đầu tiên người mẹ cần phải biêt cách cho trẻ bú đúng cách, tạo sự thoải mái cho người mẹ, và trẻ nhỏ trong khi cho trẻ bú mẹ. Thông thường, sữa mẹ được chia thành 3 nguồn chính đó là nguồn sữa non, nguồn sữa chuyển tiếp và nguồn sữa già. Nguồn sữa non hay còn gọi là nguồn sữa đầu thường chứa nhiều protein và các kháng thể giúp trẻ phòng chống bệnh tật. Nguồn sữa chuyển tiếp chứa nhiều chất béo và vitamin giúp kích thích hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn sữa già chủ yếu chứa các chất a xít béo giúp phát triển hệ thần kình và não bộ của trẻ. Chính vì vậy, người mẹ cần lưu ý cho trẻ bú no, bú hết bên này mới được chuyển sang bên kia để trẻ hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ cả 3 nguồn sữa.
Ngoài cho trẻ bú đúng cách, các bà mẹ còn phải đảm bảo mình phải đủ sữa cho trẻ bú, bất cứ khi nào trẻ muốn. Tuy nhiên thực tế, không phải bà mẹ nào cũng có đủ nguồn sữa cho con bú trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và duy trì cho đến 24 tháng tuổi theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhiều trường hợp do những nguyên nhân khác nhau đã không đáp ứng đủ sữa cho trẻ bú, làm cho trẻ không được hưởng trọn vẹn lợi ích đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ từ nguồn sữa mẹ.
Trẻ em hôm nay, là tương lai của gia đình, của thế giới ngày mai. Để trẻ có được sự chăm sóc tốt nhất, chính sách pháp luật của nước ta đã có những thay đổi phù hợp, đặc biệt là Luật Bảo hiểm Y tế. Khi sinh con, người phụ nữ được nghỉ 6 tháng để đảm bảo cho trẻ được nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, tăng 2 tháng so với trước đây.
Ngoài ra, người chồng cũng được nghỉ chế đội thai sản từ 5 ngày trở lên, tùy theo từng trường hợp sinh con. Sau khi bà mẹ nghỉ hết chế độ con ốm, thì người chồng (người bố) tiếp tục được nghỉ chế độ con ốm để chăm sóc trẻ, tạo mọi điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất cả về thể lực và trí tuệ.
Trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi là thời điểm trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung ngoài sữa mẹ. Trong khoảng thời gian này, người mẹ cũng đã trở lại với công việc thường ngày, để đàm bào nguồn sữa cho con sử dụng theo nhu cầu của trẻ, người mẹ cần vắt sữa ra dụng cụ chứa đựng hợp vệ sinh và bảo quản trong tủ mát, để luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, lưu ý thời gian bảo quản tối đa trong ngăn mát của tủ lạnh chỉ được 3 ngày, bảo quản trong ngăn đá thời gian được từ 1 đến 3 tháng tùy theo nhiệt độ và tần xuất mở đóng cửa tủ lạnh. Sữa mẹ bảo quản càng lâu ngày thì càng mất đi giá trị dinh dưỡng, thậm chí không đảm bảo chát lượng và có thể gây bệnh cho trẻ nhỏ.
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu năng lượng của bà mẹ tăng từ gần 500kcal/ngày, thì trong thời kỳ cho con bú nhu cầu năng lượng của bà mẹ còn tăng cao hơn nữa. Do vậy, đòi hỏi bà mẹ cần ăn tăng bữa, ăn đa dạng các loại thức ăn, bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết và thực hiện chế độ lao động, nghỉ ngơi hợp lý, để nguồn sữa mẹ có đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng trong suốt quá trình nuôi con bú./.
Minh Mạnh
TT Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn