Kể từ năm 1975 đến nay, trong khu vực và Việt Nam không thiếu các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia với nhau trên thế giới. Đó là chuyện quá đỗi bình thường trong hoạt động đối ngoại, quan hệ, hợp tác quốc tế… trong mộtthế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, việc các nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Mỹ thăm viếng lẫn nhau luôn khiến dư luận quốc tế, giới quan sát chính trị quan tâm, chú ý.
Đặc biệt là khi người đứng đầu Hoa Kỳ mời chính thức TBT Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm có thể nói là chưa từng có tiền lệ. Bởi lẽ, cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam kết thúc năm 1975 nhưng “hậu chiến” vẫn tiếp tục căng thẳng, ác liệt cho đến năm 1995 khi Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam sau 20 năm. Do vậy, giữa hai nước vẫn giữ những “khoảng cách” nhất định.
Để độc giả có góc nhìn đa chiều, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một số Cựu tướng lĩnh Việt Nam cũng như các Nhà ngoại giao để cùng chia sẻ, nhận định về thành tựu và ý nghĩa lịch sử sau chuyến thăm kéo dài bốn ngày từ 6-10/7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ.
“Hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”
Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), ông cho hay:
Nói về kết quả chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ, theo tôi có 3 vấn đề: Thứ nhất, trong 239 năm thành lập nước Mỹ, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tiếp một người đứng đầu Đảng Cộng Sản của Việt Nam. Đây là một sự kiện chưa từng xảy ra ở lịch sử của Hoa Kỳ.
Chuyến thăm này là kết quả tiếp tục chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, tuyên bố chung xác định Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác toàn diện, trong đó tuyên bố chung này có một nội dung đáng chú ý là: “Hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
Thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ khác biệt nhau về trình độ phát triển, Hoa Kỳ là một cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, là trung tâm giáo dục và khoa học trên hành tinh này trong khi VN ta còn đang trình độ thấp.
Như vậy, một siêu cường tiếp một nước đang phát triển trong bối cảnh hiện nay cho thấy được giá trị, tầm quan trọng của chuyến đi này.
Thứ ba, về mặt quy mô và vai trò toàn cầu.
Về kinh tế Hoa Kỳ chi phối các định chế kinh tế quốc tế như Ngân hàng thế giới, WTO…
Về mặt chính trị và an ninh, họ là Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ. Không chỉ vậy, với tiềm lực sức mạnh về kinh tế, khoa học công nghệ và sức mạnh về quân sự trong tay họ đang có tác động quyết định đến tiến trình phát triển của Thế giới.
Cả phía Đông bán cầu hay Tây bán cầu nóng hay lạnh, ổn định hay bất ổn một phần quan trọng phụ thuộc vào cách hành xử của Hoa Kỳ. Rõ ràng, về vị thế trên thế giới thì Việt Nam hết sức khiêm tốn trong khi đó Hoa Kỳ lại có vai trò chi phối.
Từ ba điều này, tham chiếu với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cho rằng đây là chuyến thăm mang tính đột phá và có ý nghĩa tầm vóc lịch sử. Thông qua các kết quả của tuyên bố chung giữa hai nước đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực nói chung, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Hơn nữa, kết quả của chuyến thăm phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam phù hợp với xu thế và thúc đẩy xu thế hòa bình ở khu vực Đông Châu Á Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.
“Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” Ông Chu Công Phùng – nguyên Bí thư Phòng chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc (giai đoạn 1987 – 1991); nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar. Hiện đang là cố vấn cao cấp Viện chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao:
Có thể thấy đây là chuyến thăm mang tính lịch sử khi lần đầu tiên Chính phủ Mỹ mời Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam sang thăm chính thức cũng như việc một vị Tổng thống Mỹ tiếp đón một vị TBT của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng theo nghi thức đối với nguyên thủ quốc gia là chưa từng có tiền lệ.
Cả hai bên đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho mối quan hệ hợp tác đối tác toàn diện này. Việc Phó Tổng thống Joe Biden đọc hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” trong buổi tiệc chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ tối 7/7 cho thấy, Ngài Phó Tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ rất hiểu biết và tôn trọng nền văn hóa Việt Nam mà còn sử dụng văn thơ cổ điển của Việt Nam để miêu tả, gửi gắm niềm tin vào tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ Mỹ – Việt.
Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này của TBT Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa là mối quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã thiết lập sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013.
Nhiều người mong muốn sau chuyến thăm lịch sử này, hai nước sẽ hoàn tất cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam sẽ xuất hiện cuộc đổi mới lần thứ hai để hội nhập hơn nữa với thế giới, đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn, xứng với tầm vóc vị trí địa chiến lược của Việt Nam.
Cũng xin nói thêm rằng: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Đó là một chân lý đã được đúc rút trong lịch sử quan hệ quốc tế, phù hợp với chính sách đối ngoại của mọi quốc gia. Thực tế cho thấy, sự giống nhau hay khác nhau về ý thức hệ và chế độ chính trị không phải là yếu tố quyết định giúp các quốc gia bảo vệ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như phát triển kinh tế.
Thắng lợi về mặt đối ngoại của Việt Nam Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị:
Chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ là một thắng lợi lớn của Việt Nam về đối ngoại.
Nói rộng hơn, đây là chuyến thăm của một nước Cộng Sản với một nước Tư Bản. Chính Mỹ cũng thừa nhận đây là xu hướng quan hệ đa phương trong sự phát triển chung của thế giới.
Chuyển thăm của Tổng bí thư Việt Nam sang Mỹ không chỉ tạo nền móng nâng cao mối quan hệ của hai nước mà còn đảm bảo hòa bình khu vực, nhất là vấn đềan ninh Biển Đông. Bởi lẽ, vai trò của Mỹ rất quan trọng.
Sau chuyến thăm này, chính Trung Quốc sẽ đánh giá vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới và Trung Quốc buộc phải dừng lại những hành động gây hấn trên Biển Đông.
Để làm được điều này, chúng ta đã rất khôn khéo trong việc đấu tranh giữ toàn vẹn lãnh thổ nhưng vẫn thúc đẩy quan hệ ngoại giao, hợp tác với các siêu cường quốc.
NĐT