Hướng dẫn làm bài văn mẫu Nghị luận về lợi ích của việc đọc sách từ bài “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm lớp 9 hay nhất.
Từ xưa đến nay con người đã gắn bó với sách và coi nó như một người bạn tri âm, tri kỉ của mình. Nhờ có sách, con người mới có thể chiếm lĩnh được những tri thức của nhân loại. Nhờ có sách, con người có được chiếc chìa khóa để mở ra biết bao nhiêu điều kì diệu. Cũng nhờ có sách mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thú vị hơn.
Trở lại thời kì cổ đại khi con người chưa phát minh ra giấy, chưa có chữ viết, con người đã biết lưu giữ những tri thức, những kinh nghiệm của mình bằng cách khắc hình lên những vật liệu thô sơ như đá, tường. Có thể lấy ví dụ về người Ai Cập, họ khắc chữ lên mai rùa. Trong khi đó, người Trung Quốc lại viết chữ lên thẻ tre và da động vật. Cho đến khi giấy ra đời, nó đánh dấu một bước tiến vượt bậc của toàn nhân loại, giúp cho con người dễ dàng hơn trong việc lưu lại tri thức của mình. Tiếp theo đó là một loạt những phát minh vĩ đại khác nhằm phục vụ cho con người trong đó có công nghệ in ấn. Và thế là sách đã ra đời rồi phổ biến rộng rãi. Có thể nói trong bất cứ ngôi nhà nào cũng có thể thấy xuất hiện những cuốn sách.
Bất cứ thứ gì chúng ta cũng có thể tìm thấy ở trong sách nhưng không phải thứ gì cũng được gọi là sách. Muốn làm nên một cuốn sách, người ta phải chắt lọc và trau chuốt từng câu từng chữ sao cho người đọc dễ hiểu nhất. Ở trong mỗi trong sách vì vậy là cả một nguồn tri thức khổng lồ. Ở đó có những tư tưởng, có những kinh nghiệm mà tác giả đã đúc kết qua nhiều năm nghiên cứu. Những người đọc nhiều sách thì bao giờ tri thức của họ cũng nhiều hơn những người đọc ít sách hay không đọc sách bao giờ. Có rất nhiều các loại sách khác nhau viết về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như lịch sử, văn học, địa lý, toán học, sách kinh tế, chính trị,… Mỗi một cuốn sách mở ra cho chúng ta một thế giới mới, chính vì vậy mà dù chỉ ngồi một chỗ chúng ta cũng có thể đi du lịch vòng quanh thế giới. Thậm chí là có thể đến những miền đất mà không ai có thể đưa chúng ta đến ngoài sách. Nhờ vào việc đọc sách mà trí tưởng tượng của con người được bay cao hơn, bay xa hơn. Con người có thể trở về quá khứ, có thể đi đến tương lai, có thể ra ngoài vũ trụ để khám phá các hành tinh. Trong cùng một ngày có thể đi qua tất cả các nước trên thế giới. Nếu không có những trang sách con người sẽ không bao giờ có thể làm được những điều này.
Không chỉ vậy, sách còn giống như một món ăn tinh thần nuôi dưỡng những tình cảm đẹp trong con người. Thông qua những trang sách văn học chúng ta biết thương yêu đồng loại của mình, chúng ta biết, hiểu và cảm thông cho những số phận bất hạnh, biết lên án cái xấu trong xã hội. Có đôi khi ta còn rơi nước mắt cho những nhân vật trong trang sách. Thông qua trang sách, chúng ta học được những điều tốt đẹp, có những nhân vật trong trang sách trở thành hình mẫu lý tưởng khiến con người cảm phục và noi theo.
Nhờ có những trang sách mà con người được thanh lọc tâm hồn, được nghỉ ngơi sau 1 ngày làm việc mệt nhọc. Một khi đã cầm quyển sách lên và đọc, ta không còn lo nghĩ đến bất cứ vấn đề nào khác ngoài nội dung cuốn sách. Có những cuốn sách mà câu chuyện ở trong đó hấp dẫn đến nỗi đã mở trang đầu tiên là phải đọc đến trang cuối cùng. Ngay cả khi ta u mê nhất, tuyệt vọng nhất, chỉ cần cầm sách lên và đọc, những trang sách sẽ như ngọn đèn chiếu sáng chỉ cho ta thấy con đường mà chúng ta phải đi. Lúc chúng ta cô đơn, sách vẫn luôn là một người bạn trung thành và chẳng bao giờ bỏ chúng ta đi.
Tuy nhiên, bên cạnh những cuốn sách bổ ích và mang đến nhiều giá trị, vẫn còn những loại sách chứa nội dung không lành mạnh. Nó mang đến những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và khiến con người ta càng tuyệt vọng hơn. Đọc những cuốn sách như vậy chỉ làm hủy hoại tâm hồn mà thôi.
Không nhất thiết phải mua sách về nhà đọc, bạn có thể mượn sách ở thư viện, mượn sách của bạn bè, người thân. Đọc sách chẳng hề tốn kém mà lại mang đến cho chúng ta quá nhiều điều giá trị. Vậy nên mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình thói quen đọc sách, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, đọc cho trọn nội dung cuốn sách để rút ra kinh nghiệm sống cho mình chứ đừng đọc cho xong, đọc lấy số lượng.
Thông qua việc đọc sách con người không chỉ rút ra được tri thức mà còn rèn luyện tính nhẫn nại, tính kiên trì. Nhờ có sự phát triển của công nghệ, chúng ta không chỉ có sách giấy mà còn có sách điện tử nên càng thuận lợi hơn cho việc đọc sách. Vậy thì hãy lan tỏa văn hóa đọc để con người, xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Nghị luận về lợi ích của việc đọc sách từ bài “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm – Bài làm 2
“Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia”. Sách vốn là người bạn tri âm tri kỉ của con người trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Có thể nói, sách chính là chìa khóa để mở tòa lâu đài chưa biết bao điều kì diệu, giúp cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn.
Từ xa xưa, khi chưa phát minh ra giấy, tổ tiên chúng ta lưu giữ tri thức, kinh nghiệm trên những vật liệu hết sức thô sơ. Người Ai Cập khắc chữ lên mai rùa, người Trung Quốc viết chữ lên thẻ tre, da động vật. Giấy ra đời là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại, và con chữ được giữ gìn lâu bền hơn. Từ đó đến nay, nhờ công nghệ in ấn phát triển, sách trở nên rộng rãi hơn và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Sách chứa đựng nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại, là sự tích tụ tư tưởng và kinh nghiệm của ông cha ta qua mấy nghìn năm lịch sử. Đọc sách giúp chúng ta tích lũy kiến thức, mở mang đầu óc. Sách trải dài trên các lĩnh vực, từ toán học, văn học, lịch sử địa lí đến kinh tế, chính trị… Đến với sách, ta chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể chu du vòng quang thế giới. Sách đưa trí tưởng tượng của ta bay cao bay xa, đến những rừng nhiệt đới nguyên sinh có các bộ lạc sinh sống hay băng qua đại dương thăm các châu lục. Không chỉ thế, sách địa lí còn giúp ta tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên thế giới, nhờ thế ta biết đến lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha, lễ hội hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật cùng vô vàn những nền văn hóa phong phú, đa dạng khác. Nếu sách địa lí giúp ta đi xa trong không gian thì sách lịch sử lại đưa ta về cùng chiều sâu của thời gian. Ta được chứng kiến những thời kì vàng son trong lịch sử dân tộc, những trận chiến đầy vẻ vang, ác liệt của ông cha như đang hiển hiện trước mắt. Kìa dòng sông Bạch Đằng huyền thoại, dòng sông đã trở thành mồ chôn của biết bao quân xâm lược.
Sách là món ăn không thể thiếu cho tâm hồn, giúp ta nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, phát triển nhân cách. Đọc sách văn học, ta thương cảm biết bao cho những người có hoàn cảnh bất hạnh như cô Tấm, cô bé bán diêm, nàng Lọ Lem xinh đẹp. Những nhân vật ấy từ trang văn bước ra ngoài đời sống động như thật. Ta vui nỗi vui cùng họ, buồn nỗi buồn với họ. Sách còn dạy ta cách ứng xử, cách làm người. Đọc truyện “Chiếc lá cuối cùng”, ta cảm động biết bao trước hành động cao cả và nhân văn của cụ Bơ-men. Cụ đã hi sinh chính bản thân mình để tiếp thêm nghị lực sống cho Giôn-xi, mang cô trở về từ tay của tử thần.
Đọc sách còn giúp ta thanh lọc tâm hồn, có những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa bộn bề cuộc sống. Đến với sách, ta đã bước chân vào một thế giới khác, vứt bỏ hết những âu lo, phiền muộn để đắm chìm trong lời kể của nhà văn, câu chuyện của các nhân vật. Nếu ta là con thuyền đang lạc lối giữa biển khơi, bị gió dập sóng vùi thì sách chính là ngọn hải đăng chỉ lối soi đường cho ta, dẫn ta thoát khỏi u mê, tuyệt vọng. Nhờ có sách, chúng ta đã không còn cô đơn, sách cũng là người bạn trung thành dù cho cả thế giới có quay lưng lại cũng không bao giờ rời bỏ ta.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số loại sách chứa nội dung không lành mạnh, không giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn mà chỉ reo giắc những ý nghĩ tiêu cực, bi quan và tuyệt vọng. Những cuốn sách ấy sẽ rất dễ hủy hoại tâm hồn và bản thân chúng ta.
Đọc sách là một hoạt động giải trí lành mạnh, bổ ích mà không tốn kém. Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện cho mình thói quen đọc sách. Đọc sách phải có chọn lọc, tiếp thu một cách chủ động, sáng tạo những nội dung trong sách. Người đọc cũng cần phải say mê, đọc lấy chất lượng chứ không lấy số lượng, ngẫm nghĩ sâu xa, kết hợp giữa sách phổ thông và sách chuyên sâu.
Đọc sách không chỉ là việc tích lũy kiến thức mà còn là việc rèn luyện nhân cách, đức tính kiên trì, nhẫn nại. Ngày nay, nhờ công nghệ phát triển, sách có mặt ở khắp mọi nơi, ngoài sách giấy chúng ta còn có thể đọc sách trên điện thoại, ipad… Vì vậy, mỗi cá nhân hãy tạo cho mình thói quen đọc sách để phát triển, lan rộng văn hóa đọc ra toàn xã hội.
Những bài văn mẫu Nghị luận về lợi ích của việc đọc sách từ bài “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm
Ai trong mỗi chúng ta đều biết đọc sách để mở mang kiến thức, vai trò và vị trí của nó trong con đường học vấn là vô cùng quan trọng. Chu Quang Tiềm đã khuyên dạy chúng ta rằng: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”. Câu nói của ông như một lí thuyết một chiều trong toán học: từ cái này dẫn đến cái kia là đúng và ngược lại có thể là sai. Từ đó ta thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách.
Vậy học vấn là gì? Học vấn là những hiểu biết thu nhận được qua quá trình học tập và rèn luyện. Chúng ta có thể tiếp nhận được kiến thức qua những lời dạy của thầy cô trong trường lớp, qua bạn bè hoặc qua những kinh nghiệm mà chính mình đã từng trải. Do đó, “học vấn không chỉ là việc đọc sách”, ta vẫn có thể tích lũy, nâng cao học vấn, tiếp nhận tinh hoa của nhân loại bằng những cách khác, qua nhiều nguồn khác, kể cả việc đọc sách.
Tuy nhiên “đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”, Bởi sách là kho tàng tri thức quí báu được tìm hiểu, ghi chép, cô đúc, lưu truyền qua những thăng trầm lịch sử, là “di sản tinh thần của nhân loại”. Sách vô cùng có ích cho tất cả mọi người, trong đó có học sinh, sinh viên nói riêng và các tầng lớp tri thức nói chung. Sách dạy ta những điều hay ý đẹp, dạy ta những bài học làm người, ca ngợi những con người khuyết tật vượt khó; những người lính Cách mạng dũng cảm, bất khuất; những anh hùng liệt sĩ xả thân mình vì quê hương đất nước. Sách còn giúp ta tiếp cận những nền văn minh của các quốc gia mà ta chưa hề đặt chân đến; cảm nhận từng câu chữ, lời văn mang những cung bậc cảm xúc khác nhau trong các tác phẩm văn học nước ngoài… Dù bất cứ lợi ích gì, sách đều giúp con người trưởng thành về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, chín chắn về suy nghĩ.
Đọc sách đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích mà ta không thể kể hết. Đầu tiên, thay vì chúng ta phải mất thêm mấy trăm năm cho công cuộc tìm kiếm, ghi chép những thông tin cần tìm, thì ta chỉ mất vài giờ thông qua việc đọc sách. Qua đó, đọc sách là con đường ngắn nhất nhưng không kém phần quan trọng để tích lũy, lĩnh hội, nâng cao kinh nghiệm, vốn tri thức mà người xưa đã lưu truyền lại. Sách chính là bậc thang đưa chúng ta đến với thành công trong cuộc sống. Sách giúp ta hoàn thiện kiến thức phổ thông đã học và nâng cao, chuyên sâu vào chúng. Sách là người bạn thân thiết, gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời, luôn cần thiết cho nhân loại cho dù khoa học kĩ thuật, công nghệ có phát triển và ngày càng hiện đại đến đâu. Không những thế, sách còn là hành trang kiến thức để con ngừoi chuẩn bị cho “cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới”. Ta không thể thu được những thành tựu mới nếu không biết kế thừa những thành tựu của các thời kì đã qua.
Đọc sách là một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của con người, do đó ta phải biết phương pháp đọc sách sao cho đúng, có ích cho học vấn. Trước hết, ta phải biết chọn sách mà đọc sao cho phù hợp với yêu cầu học tập của chúng ta, tránh lãng phí thời gian và sức lực của chính mình. Khi đọc sách, ta nên đọc chậm rãi, đọc đi đọc lại nhiều lần để từng câu chữ trong sách ngấm dần vào suy nghĩ của ta, ăn sâu vào xương cốt, ắt ta sẽ hiểu và nhớ lâu. Đọc ít mà đọc kĩ còn hơn là đọc nhanh, lướt qua hay học thuộc như một chiếc máy thì chẳng khác như “Nước đổ lá môn”, hoặc hiểu sơ lược được ngày một ngày hai là quên hết. Không chỉ vậy, ta cần phải tích cực tư duy suy nghĩ khi đọc sách sẽ giúp ta hiểu được vấn đề sâu sắc, tích lũy ngày càng nhiều kiến thức khó có thể quên trên con đường học vấn. Ngoài ra, mỗi con người chúng ta cần có thói quen ghi chép lại những điều quan trọng cơ bản một cách tóm gọn, đơn giản, dễ học, dễ hiểu để sau này khi cần thiết ta có thể xem lại.
Những học sinh, sinh viên đang học phổ thông, đại học là lứa tuổi góp phần phát triển đất nước nên rất cần phải đọc sách. Trong quá trình đọc nên chia sách ra làm hai loại chính: sách phổ thông và sách chuyên sâu. Đối với sách phổ thông, ta nên xem một cách tóm lược tất cả các kiến thức trong quá trình học tập, để rồi nâng cao chúng qua việc xem sách chuyên sâu. Đó là cách đọc sách có hệ thống giúp học sinh, sinh viên suy nghĩ tư duy và nắm rõ vấn đề.
Sách vô cùng quan trọng trong cuộc sống của nhân loại mà không gì có thể thay thế được. Tuy nhiên, bên cạnh những người chuyên tâm vào công việc chọn đọc những cuốn sách hay và bổ ích, lại có một số người, phần lớn là giới trẻ học sinh ngày nay, vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách, không chịu đọc sách để làm giàu vốn tri thức của mình, hay chưa biết phương pháp đọc sách làm tốn thời gian, sức lực dẫn đến không chuyên sâu, lâu hiểu, nhanh quên. Ngoài ra, một số bạn trẻ chọn những cuốn sách có nội dung không lành mạnh, vô thưởng vô phạt, không đem lại lợi ích gì cho bản thân và sự phát triển của xã hội. Vì vậy, để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chúng ta cần chỉ ra phương pháp đọc sách đúng đắn, chứng minh cho họ thấy tầm quan trọng lớn lao của sách trong quá trình học vấn và phải biết chọn đúng loại sách.
Tóm lại, qua câu nói “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn.” của Chu Quang Tiềm đã cho ta thấy đọc sách là nhu cầu cần thiết đối với mỗi con người. Mặc dù có nhiều cách để học mà không bao gồm việc đọc sách, nhưng nó vẫn là con đường quan trọng nhất giúp ta thành công trên con đường học tập. Chính Đại thi hào Nga Pu-skin cũng khuyên dạy chúng ta rằng “Đọc sách là cách học tốt nhất”, từ đó càng khẳng định rõ vai trò của sách trong đời sống hiện đại.
Nghị luận về lợi ích của việc đọc sách từ bài “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm – Bài làm 4
Người ta thường nói, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Có một câu danh ngôn về việc đọc sách như sau: “Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó”.
Sách là nguồn cung cấp tri thức khổng lồ mà ta sẽ khó có thể khai thác hết. Có rất nhiều các loại sách: sách khoa học, sách văn học, sách kinh doanh,..Mỗi loại sách đó sẽ cho ta những kiến thức và hiểu biết khác nhau và phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Doanh nhân sẽ tìm sách kinh doanh để đọc. Bác sỹ sẽ đọc sách về ngành y. Còn học sinh chúng ta nên đọc những loại sách khoa học, văn học và lịch sử để bổ sung kiến thức về các môn học. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại sách có những nội dung không văn minh. Vậy nên, việc chọn sách để đọc là vô cùng quan trọng, bởi những kiến thức trong sách sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và suy nghĩ của chúng ta.
Việc đọc sách không chỉ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về chuyên môn mà sách còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Sách dạy ta đạo làm người, cách đối nhân xử thế với cha mẹ và những người xung quanh. Sách dạy ta phải sống lương thiện và sống có ích. Ngoài ra sách còn dạy ta biết yêu thương bản thân mình và yêu thương nhân loại. Sách giúp ta biết khóc khi gặp những cảnh ngộ đáng thương bằng cách đi theo từng diễn biến tâm trạng của những nhân vật trong chuyện. Sách khiến ta biết cười để thấy tâm hồn mình rộng mở và chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến với ta.
Để tiếp nhận được những kiến thức trong sách ta phải có phương pháp đọc sách đúng đắn. Đầu tiên, bạn nên đọc lướt để biết được nội dung chính của cuốn sách. Sau đó, bạn đọc kỹ từng câu từng từ để hiểu được một cách kỹ càng của từng chi tiết. Chúng ta không chỉ đọc một lần mà phải đọc đi đọc lại nhiều lần, có như vậy ta mới hiểu được nội dung cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc sách, bạn nên tập trung chứ không nên vừa làm việc khác vừa đọc sách, vì như vậy bạn sẽ có cái nhìn không tổng thể và khó có thể hiểu được từng nội dung. Nói cách khác, chúng ta cần có cái tâm khi đọc sách, khi đó ta mới có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng mà các tác giả muốn truyền đạt thông qua từng cuốn sách.
Mỗi ngày, bạn nên dành cho mình ít nhất 30 phút để đọc sách. Bạn sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị và còn rất nhiều thứ chúng ta phải học. Sách sẽ dạy chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn học. Hãy chịu khó đọc sách để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cũng như nuôi dưỡng tâm hồn của chính chúng ta. Chỉ với 30 phút mỗi ngày, dần dần bạn sẽ thấy mình biết thêm rất nhiều thứ và học được rất nhiều điều. Nếu không đọc sách, bạn sẽ không thể hiểu được ông cha ta đã sống và đã hy sinh như thế nào? Bạn cũng sẽ không thể biết được những người nổi tiếng họ thành công bằng cách nào? Và làm thế nào để bạn có thể được như họ?. Thật đáng tiếc cho những ai không hiểu được tác dụng của việc đọc sách. Nếu không đọc sách, bạn sẽ trở thành người lạc hậu bởi sự hiểu biết của bạn bị hạn hẹp và vì thế bạn sẽ không thể thành công.
Việc đọc sách đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Bởi sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng cho bạn. Bạn nên có thói quen đọc sách và chọn sách là bạn đồng hành trên con đường hướng đến thành công của bạn. Bạn hãy trân trọng từng quyển sách và hãy cố gắng tiếp thu và thực hành những kiến thức trong sách – chắc chắn bạn sẽ có được những thứ mà bạn muốn!
Sách là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Đó còn là một tài sản tinh thần vô giá vì nó làm cho tâm hồn ta phong phú thêm trí óc ta mở mang, văn minh hơn và ta thấy đời sẽ ý nghĩa và đáng yêu biết bao!
Bài văn mẫu Nghị luận về lợi ích của việc đọc sách từ bài “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm
Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Đến nay thì ngoài sách, con người còn tiếp thu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như Truyền hình, phim ảnh, mạng… Văn hóa đọc vì thế có những bước thay đổi về chất…Các phương tiện nghe nhìn tỏ ra có nhiều ưu thế hơn, hấp dẫn hơn so với sách, và thực tế chúng đang có xu hướng cạnh tranh lấn át văn hóa đọc. Nếu trước đây, đọc sách là một thú vui, một thói quen của rất nhiều người thì ngày nay thói quen ấy đang có nguy cơ bị mất dần đi. Tất nhiên đối với các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, sinh viên, học sinh… đọc sách vẫn là một công việc bắt buộc, thường xuyên mà nếu thiếu nó người ta rất khó để có được một chuyên môn tốt, một khôi lượng kiến thức đủ rộng để phục vụ công việc, nhưng đông đảo quần chúng đang có xu hướng giải trí bằng phim ảnh, băng đĩa nhiều hơn.
Mặc dù vậy, đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó, một cách thưởng thức văn hoa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người. Những thuộc tính đi liền với việc đọc là suy nghĩ, suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi… là cơ sở hữu ích cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết, tạo dựng những vỉa tầng sâu sắc trong toàn bộ hệ thống kiến thức, nhận thức của mỗi con người. Không thể hình dung nếu một ai đó trong suốt cuộc đời mình không coi trọng việc đọc mà có thể có được một trữ lượng thông tin, kiến thức lớn. Khối lượng kiến thức thu thập được từ việc đọc chính là một thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người. Nhiều ông bố bà mẹ mong muốn tạo cho con mình một thói quen tốt là ham mê đọc sách từ thuở ấu thơ. Không chỉ dừng lại ở việc thu nhận thông tin, người ta đến với sách để thưởng thức vẻ đẹp của kiến thức thông qua lăng kính sáng tạo của tác giả. Trong một bài viết mới đây, giáo sư Trần Bạch Đằng nêu một ý kiến rất xác đáng, rằng: “Không thể lấy lăng kính “hàn lâm” để nhìn việc đọc sách của công chúng, mà phải lấy lăng kính của công chúng soi lại việc viết sách của chúng ta…”. Rõ ràng, khi nêu ra khái niệm văn hóa đọc có nghĩa là chúng ta đang ngày một đề cao tính nghệ thuật, tính thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách, vượt lên trên khái niệm đọc đơn thuần.
Tóm lại, “Không có sách thì không có tri thức”, ngoài việc học ở ngoài đời, thực tế, từ mọi người xung quanh sách là người bạn không thể thiếu của con người. Đó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có thể tự tìm tòi trong suốt cuộc đời của mình. Sách là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại, khi đọc sách bạn sẽ có cảm giác như mình như đang được dẫn vào Thế Giới trong sách, bạn sẽ thấy hiểu rõ hơn biết thêm nhiều điều hay. M.Goroki từng nói rằng “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống.Vì vậy, ta rất cần đọc sách nhưng nhất thiết phải chọn cho mình những loại sách có gái trị thật sự làm giàu tri thức và hoàn thiện nhân cách
Thu Thủy