Bạn đang xem bài viết Quy Trình Kỹ Thuật Canh Tác Cây Cà Phê Chè được cập nhật mới nhất trên website Nhatngukohi.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình này quy định các yêu cầu kỹ thuật về trồng, chăm sóc; phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và bảo quản cây cà phê chè sản xuất tại Lâm Đồng.
3. Mục tiêu kinh tế kỹ thuật: Thời kỳ kiến thiết cơ bản: 3 năm (1 năm trồng, 2 năm chăm sóc);
– Năng suất bình quân trong giai đoạn kinh doanh: Trên đất đỏ Bazan: 2,5-3 tấn nhân/ha, trên các loại đất khác 2-2,5 tấn nhân/ha.
II. ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH:
1. Đặc điểm thực vật học: Cà phê chè (Coffea arabica) có lá nhỏ, cây thường thấp. Đây là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê. Cây cà phê chè ưa sống ở vùng núi cao, cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4-6 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê. Cà phê chè sau khi trồng khoảng 3-4 năm thì có thể bắt đầu cho thu hoạch. Thường cuối vụ thu hoạch cây cà phê đã phân hoá mầm hoa (cà phê chè tự thụ phấn). Rễ cà phê chiếm 80% lượng rễ ở tầng đất canh tác từ 0-30cm. Rễ có thể hút sâu tới 1m, bề rộng ra tới mép ngoài tán lá.
Cà phê chè có các chủng loại: Typica, Bourbon, Moka, Mondonova, Caturra, Catuai, Catimor….
2. Yêu cầu sinh thái:
– Nhiệt độ và độ cao: Phạm vi thích hợp nhất từ 15-240C, cà phê chè thích hợp ở các vùng có độ cao từ 800-1.500m so với mặt nước biển.
– Lượng mưa: Cây cà phê chè cần lượng mưa từ 1.200-1.900mm, cần có mùa khô hạn ngắn tối thiểu 2 tháng vào cuối và sau vụ thu hoạch, cộng với nhiệt độ thấp thì thuận lợi cho quá trình phân hoá mầm hoa.
– Ẩm độ: Ẩm độ không khí trên 70% thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển. Khi cà phê nở hoa cần ẩm độ cao, nếu không mưa cần phải tưới nước thời kỳ này.
– Ánh sáng: Cà phê ưa ánh sáng tán xạ, những nơi có ánh sáng cường độ mạnh cần trồng cây che bóng.
– Gió: Gió lạnh, nóng, khô đều có hại đến sinh trưởng của cây cà phê. Gió mạnh làm lá bị rách, rụng, các lá non bị khô. Gió nóng làm tăng quá trình thoát hơi nước của cây vì vậy cần có cây che bóng, đai rừng chắn gió.
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
1. Giống: Hiện nay, ở Lâm Đồng giống cà phê Catimor đang được trồng phổ biến nhất. Đây là giống lai giữa Hybrid de Timor với giống Catura; thuộc dạng thấp cây, cành đốt ngắn, có khả năng trồng dày; kháng bệnh gỉ sắt.
2. Xây dựng vườn ươm giống:
2.1. Thiết kế vườn ươm: Chọn nơi tưới tiêu thuận lợi, gần đường và dễ vận chuyển cây giống, tương đối kín gió. Giàn che có chiều cao cột từ 1,8-2,0m, luống ruộng từ 1,2-1,5m, dài từ 20-25m, theo hướng Bắc – Nam, lối đi giữa các luống rộng từ 30-40cm, xung quanh vườn được che kín gió.
2.2. Chọn loại giống: Sử dụng các giống đã được công nhận, chọn quả đã chín hoàn toàn từ vườn sản xuất giống có 5-6 năm tuổi, hái và chế biến để lấy hạt giống trong vòng 24 giờ. Sau khi xát vỏ thịt đem ủ từ 18-20 giờ rồi đãi thật sạch nhớt, phơi nơi thoáng gió, nắng nhẹ với độ dày từ 2 – 3cm, khi độ ẩm trong hạt còn 20-30% là đủ độ ẩm để làm giống. Hạt giống không nên để quá 2 tháng, càng để lâu càng mất sức nảy mầm.
2.3. Xử lý hạt giống: Đem hạt giống hong dưới nắng khi vỏ thóc hơi giòn, chà nhẹ cho bong lớp vỏ thóc, loại bỏ những hạt sâu, dị dạng, ngân hạt giống từ 20-24 giờ trong nước ấm 50-600C (nước vôi 1kg vôi + 50 lít nước). Sau đó đãi thật kỹ bằng nước sạch.
Cách ủ hạt giống: Để đảm bảo nhiệt độ 30-320C có thể dùng rơm, rạ, lá chuối khô, bao đay lót vào đáy và thành thúng, phủ 1 lớp bao tải, đưa hạt giống vào ủ, trên mặt cũng đậy kín bằng lớp bao tải sạch. Để cho hạt nảy mầm nhanh, hàng ngày tưới nước ấm (30-400C) hai lần vào khoảng 6-7 giờ sáng và 6-7 giờ tối. Không nên dỡ lớp bao tải nhiều làm mất nhiệt. Sau ủ 5 ngày kiểm tra, lựa hạt đã nứt nanh (nhú mầm) đem gieo, không để mầm dài quá 3mm.
2.4. Đất đóng bầu và túi ươm cây:
– Đất dùng đóng bầu ươm phải lấy ở tầng đất mặt 0-10cm, tơi xốp, có độ phì nhiêu cao, hàm lượng hữu cơ đạt 30% trở lên. Đất phải hong khô, đập vụn, qua sàng 5mm loại bỏ hết tàng dư hữu cơ, sỏi đá sau đó trọn đầu với phân chuồng hoai và phân lân nung chảy với tỷ lệ như sau: Đất 1.000kg + phân chuồng hoai 200kg + Lân 20kg.
– Túi bầu: Kích thước 12-13cm x 20-23cm, phần dưới đáy bầu đục 6-8 lỗ nhỏ đường kính 5mm để thoát nước. Bầu đất phải chặt, cân đối, thẳng đứng (hai góc đáy bầu phải nén chặt đất, lưng bầu không có chổ gãy khúc). Xếp bầu đất xít nhau, thẳng đứng, thành từng luống rộng 1-1,2m theo hướng Bắc-Nam, luống cách luống khoảng 50-60cm, quanh luống gạt lấp 1/3-1/4 chiều cao bầu để giữ ẩm và ổn định luống bầu.
2.5. Cho hạt nhú mầm rễ vào bầu:
– Tưới nước cho đất bầu đủ ẩm, dùng que tròn, nhọn có đường kính 1cm chọc 1 lỗ ở giữa mặt đất để đưa hạt vào, đầu mầm rễ hướng xuống đất, độ sâu đặt hạt 0,5-1cm sau đó lấp đát. Dùng trấu rắc lên mặt bầu.
Hàng bầu ở mép ngoài luống nên gieo 2 hạt để lấy cây con trồng dặm vào các bầu có cây bị chết (Khoảng 5% số bầu gieo hai hạt). Gieo xong dùng vòi sen tưới để ổn định hạt, hàng ngày tưới nước để đất đủ ẩm cho mầm mọc đều khỏe.
2.6. Chăm sóc cây con tại vườn ươm:
– Trồng dặm: Từ khi cây đội mũ đến khi cây ra hai lá thật thứ nhất, dùng cây ở túi bầu dự phòng dặm vào những bầu cây không mọc.
– Tưới nước: Cần tưới đầy đủ: cây còn nhỏ thì tưới lượng nước ít nhiều lần, cây lớn tưới lượng nước nhiều và ít lần. Cụ thể:
Tháng tuổi
Giai đoạn sinh trưởng của cây con
Số ngày/lần tưới (ngày)
Lượng nước tưới (lít/m2/lần)
Tháng thứ 1
Nẩy mần, đội mũ
1-2
6
Tháng thứ 2
Lá sò
2-3
9
Tháng thứ 3-4
1-3 cặp lá
3-4
12-15
Tháng thứ 5-6
4 cặp lá trở lên
4-5
18-20
– Bón phân: Khi cây có cặp lá thật thứ nhất bắt đầu bón thúc:
+ Phân vô cơ gồm: Urê và kali với tỷ lệ 200gr urê + 100gr KCl hoà tan trong 100 lít nước, tưới đều và tăng dần lượng theo thời gian phát triển của cây. Tưới phân vào buổi sáng, khoảng 15 – 20 ngày tưới 1 lần.
+ Phân hữu cơ gồm: Phân chuồng ngâm kỹ trước khi tưới một tháng. Khi tưới cần pha loãng theo tỷ lệ 1 nước phân + 5 nước lã và tăng dần nồng độ. Lượng phân thúc cho 1 ha vườn ươm: Phân chuồng 20-30 tấn, phân hữu cơ sinh học 2 tấn, urê 500kg, lân 1.000kg, kali 300kg.
2.7. Phòng trừ sâu bệnh và làm cỏ: Chú ý phòng bệnh lở cổ rễ, đưa cây bị bệnh ra khỏi vườn để đốt, phun cho các cây còn lại dung dịch boocđô 0,5%; Vicarben 0,25% hoặc Till 0,1%. Từ 10-15 ngày phun 1 lần (1 lít dung dịch thuốc/1m2 luống).
Khi có hiện tượng lá đọt và 1-2 cặp lá tiếp theo bị bạc, có màu trắng chuyển sang màu hơi vàng thì phun dung dịch ZnSO4 nồng độ 1%, phun đều lên luống bầu, 1 lít dung dịch/m2 luốn, phun 2-3 lần, 15-20 ngày phun 1 lần.
Thường xuyên nhổ cỏ, phá vỡ lớp váng trên mặt bầu.
2.8. Dỡ giàn điều chỉnh ánh sáng, huấn luyện cây: Khi cây có 1 cặp lá thật, giàn che để 15-20% ánh sáng lọt qua. Khi cây có 3 cặp lá thật, dỡ liếp để hở khoảng cách rộng 20cm dọc theo rãnh luống, để 30-40% ánh sáng lọt qua. Khi cây từ 3-4 cặp lá để hở giàn che cho 50-70% ánh sáng lọt qua, sau đó cứ 17-20 ngày một lần dỡ tiếp cho khoảng trống trên giàn rộng ra, trước khi trồng 20 ngày thì dỡ giàn che hoàn toàn để cây quen với điều kiện tự nhiên.
2.9. Phân loại và tuyển lựa cây để trồng: Trước khi trồng cần tiến hành phân loại, chỉ trồng các cây con đủ các tiêu chuẩn sau: Tuổi cây xuất vườn 5-7 tháng, chiều cao cây tính từ mặt bầu 20-25cm, đường kính cổ rễ 2-3mm, số cặp lá thật 5-7, cây phát triển bình thường, không bị sâu bệnh, không bị dị hình và được huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn từ 10-15 ngày.
Những cây không trồng hết phải lưu lại vườn ươm để trồng vụ sau cần xử lý cắt bỏ phần ngọn: Dùng dao hoặc kéo sắc cắt vát thân ở độ cao 8-10cm trên đôi lá thật thứ nhất. Bón bổ sung bằng phân hữu cơ hoai 20gr + 3gr urê + 2gr kali/bầu. Các chế độ chăm sóc tiến hành tương tự như đối với cây con vụ ươm mới. Xử lý từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
3.1. Chuẩn bị đất trồng: Đất trồng phải ở trong vùng trồng thích hợp và đất trồng phải là đất tốt, tầng đất dày, tơi xốp, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng. Các loại đất Bazan, pooc phia, granit, gnei phiến thạch sét đều trồng được cà phê chè nếu có những tiêu chuẩn sau đây:
3.2. Thiết kế vườn cây trồng: Nếu khu đất có diện tích lớn, địa hình ít phân cắt cần thiết kế thành từng khoảnh 10-15ha, chiều dài theo đường đồng mức. Trong khoảnh chia ra từng lô khoảng 1ha (50 x 200m). Nếu diện tích đất hẹp, địa hình phân cắt mạnh thì chia lô theo đường phân cách của địa hình, giữa các lô theo địa hình xây dựng các đường phân lô rộng 2-3m theo đường đồng mức.
Thiết kế hàng cà phê theo đường đồng mức nếu trồng trên đất dốc. Mật độ trồng phụ thuộc vào giống và độ dốc.
3.3. Đào hố và ủ phân trong hố: Đào hố phải hoàn thành trước khi trồng mới ít nhất là 2 tháng.
– Đối với cà phê chè kích thước hố thích hợp 40cm x 40cm x 50cm.
– Ủ trộn phân: Sau đào hố khoảng 1 tháng, lấy phân hữu cơ + lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố, lấp đến đâu dùng chân nén chặt đến đấy. Hỗn hợp đất lân cao hơn miệng hố khoảng 10-15cm. Liều lượng phân cho 1 hố: Phân hữu cơ: 10-20kg + 0,3kg lân nung chảy. Nếu không đủ phân chuồng thì dùng cây phân hữu cơ đóng bao.
3.4. Trồng cà phê:
– Thời vụ trồng: Bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa, kết thúc trồng trước khi vào mùa khô 1-2 tháng. Trồng tốt nhất từ tháng 6 đến 15/8 hàng năm.
– Cách trồng: Đất trong hố trồng cà phê cần đảo trộn đều, dùng cuốc móc 1 lỗ nhỏ giữa hố. Dùng dao rạch và bóc bầu ni lông, cắt xén đáy bầu, nhẹ nhàng đặt cây vào giữa hố, điều chỉnh cây đứng thẳng, lấp đất, nén chặt, mặt bầu cách mặt đất 10-15cm, mỗi hố trồng 1 cây.
– Làm bồn: Tiến hành đào bồn chung quanh gốc cây cà phê để hạn chế xói mòn rửa trôi trong mùa mưa và chứa nước tưới trong mùa khô. Công việc đào bồn phải được tiến hành trước mùa khô từ 1-2 tháng. Trong năm đầu bồn được đào theo hình vuông với kích thước rộng 1m, sâu từ 0,15 đến 0,2m, các năm sau bồn được mở rộng theo tán cây cho đến khi bồn đạt được kích thước ổn định: rộng 1-1,5m và sâu từ 0,15 đến 0,2m. Khi vét đất tạo bồn cần hạn chế tối đa gây thương tổn cho rễ cà phê.
– Tủ gốc: Khi làm bồn xong, dùng rơm, rạ, cỏ tủ gốc, có thể tủ quanh gốc hoặc tủ theo băng với độ dầy từ 10 – 20cm, tủ cách xa gốc khoảng 5 – 10cm để tránh mối làm hại cây.
– Mật độ và khoảng cách trồng:
Giống cà phê chè
Độ dốc <80
Khoảng
cách (m)
Mật độ (cây/ha)
Khoảng cách (m)
Mật độ (cây/ha)
Các giống thấp cây: Catimor Caturra, Catuai, ,…
2 x1,0
5.000
2 x 0,8
6.250
Các giống cao cây: Typica, Bourbon, Mondonovo…
2,5 x 1,5
2.667
2,5 x 1,0
4.000
Hàng cà phê phải trồng theo đường đồng mức, kích thước hố tối thiểu là: Dài 40cm, rộng 40cm, sâu 50cm đối với các giống cà phê thấp cây.
Dài 50cm, rộng 50cm, sâu 60cm đối với các giống cà phê cao cây.
– Trồng cây che bóng và cây đai rừng: Cây che bóng chia làm 2 loại:
+ Cây đai rừng: Đai rừng chắn gió thẳng góc, hoặc lệch 600 so với hướng gió chính, rộng 6-9m. Khoảng cách đai rừng tuỳ theo kích thước của khoảnh. Có thể trồng hai hàng cây muồng đen (Cassia siamia Lamk) hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m hoặc 3 hàng cây bạch đàn (Eucalyptus sp), cây tràm hoa vàng(Acacia auriculiformis), cây keo tai tượng (Acacia mangium) hàng cách hàng 1m, cây cách cây 1-2m trồng nanh sấu, ngoài đai rừng chính còn có các đai rừng phụ trồng thẳng góc với đai rừng chính, một hàng cây keo tai tượng, tràm hoa vàng hoặc cây ăn quả.
– Thiết kế đai rừng kết hợp thiết kế lô khoảnh. Nếu có điều kiện thì trồng đai rừng trước lúc trồng cà phê 1-2 tháng. Trên đỉnh đồi nên trồng cây rừng dày đặc để hạn chế xói mòn.
+ Cây che bóng: Cây che bóng lâu dài dùng các loại sau đây:
Cây muồng đen: khoảng cách trồng 20 x 20 m/cây.
Cây keo dậu (Leucaena glauca Benth), cây muồng lá nhọn (Cassia tora) khoảng cách trồng 10 x 10 m/cây.
Các loại cây này được gieo trồng vào bầu và chăm sóc cẩn thận, khi đạt độ cao 30-40cm mới đem ra trồng. Vị trí trồng cây che bóng là ở trên hàng, giữa hai cây cà phê. Cây che bóng được trồng đồng thời với lúc trồng cà phê.
Khi cây che bóng phát triển tốt, phải thường xuyên rong tỉa bớt cành ngang, tán cây che bóng cách tán cà phê ít nhất 2-3m ở thời kỳ đầu và 4m trở lên ở thời kỳ kinh doanh.
Cà phê trong vườn hộ gia đình, sử dụng cây bơ, sầu riêng, hồng, tiêu, hoa hoè…trồng xen hoặc trồng xung quanh vườn, khoảng cách trồng 20×15 m/cây để tăng thu nhập kết hợp với làm cây che bóng, nhưng phải bón phân đầy đủ và tỉa cành ngang, tạo hình thích hợp theo từng loại cây.
+ Cây che bóng tạm thời: Cây cốt khí (Tephrosia candida DC), muồng hoa vàng (Cassia surattensis Burm), đậu công (Flemingia congesta) là những cây che bóng chắn gió tạm thời, thích hợp cho cà phê kiến thiết cơ bản. Hạt gieo vào đầu mùa mưa giữa hai hàng cà phê, khoảng cách 2-3 hàng cà phê gieo một hàng cây che bóng, khi cây phát triển tốt, cành chen tán cà phê thì rong tỉa cành lá ép xanh vào gốc cà phê.
+ Trồng xen cây họ đậu: Vườn cà phê chè ba năm đầu, cây chưa giao tán nên trồng xen cây đậu đỗ ăn hạt và cây phân xanh họ đậu giữa hai hàng cà phê để tăng thêm thu nhập, bảo vệ cải tạo đất và cung cấp sinh khối hữu cơ chất lượng cao cho cây.
Các cây đậu đỗ ăn hạt như lạc, đậu hồng đào, đậu tương, đậu đen…gieo vào đầu hoặc giữa vụ mưa, bón phân và chăm sóc theo yêu cầu của cây, sau khi thu hoạch củ, hạt xong thì tủ thân lá vào gốc cà phê hoặc đào rãnh vùi vào đất.
Các cây phân xanh họ đậu như muồng hoa vàng, đậu công, đậu triều (Cajanus indicus Spreng); đậu mèo ngồi (Capavalia ensiformis DC), trinh nữ không gai (Mimosa invisa var inermis) gieo vào các tháng trong vụ mưa, khi ra hoa thì cắt thân lá vùi vào đất, một năm có thể cắt thân lá 2-3 lần.
Các cây trồng xen phải cách gốc cà phê 40-50cm, không gieo xen cây cốt khí, ngô, sắn, lúa vào vườn cà phê.
– Thiết lập băng chống xói mòn: Trên các địa hình đất quá dốc thì nhất thiết phải trồng băng cây chắn, hạn chế xói mòn. Có thể dùng cỏ Vetiver, trồng theo đường đồng mức, băng này cách băng kia khoảng 15-20cm.
3.5. Trồng dặm: Nếu phát hiện thấy cây chết hoặc phát triển kém thì cần trồng dặm. Công việc trồng dặm cần kết thúc trước khi hết mùa mưa từ 1,5 đến 2 tháng, khi trồng dặm chỉ cần móc hố và trồng lại trên các hố có cây chết.
3.6. Xới xáo, làm cỏ: Đối với cà phê KTCB phải làm sạch cỏ thành băng dọc theo hàng cà phê với chiều rộng lớn hơn tán cây cà phê mỗi bên 0,5m. Mỗi năm làm cỏ 5-6 lần. Đối với cà phê kinh doanh cần làm sạch cỏ 3-4 lần trong năm trên toàn bộ diện tích. Để diệt trừ các loại cỏ lâu năm, có khả năng sinh sản vô tính như cỏ tranh, cỏ gấu… có thể dùng hóa chất diệt cỏ có hoạt chất glyphosate. Phun vào lúc cỏ sinh trưởng mạnh (cỏ tranh cao 30-40cm, cỏ gấu cao 10-15cm). Hàng năm vào đầu mùa khô phải tiến hành diệt cỏ dại chung quanh vườn cà phê để chống cháy.
3.7. Bón phân:
– Phân hữu cơ: Cà phê là loại cây lâu năm có bộ rễ khoẻ, lan rộng, yêu cầu nhiều phân bón, mức bón tối thiểu như sau:
Năm trồng mới: 10-20kg/hố (bón lót).
Thời kỳ kinh doanh: 15-20kg/cây. Định kỳ 3 năm 1 lần, đào rãnh theo chiều rộng của tán, kích thước sâu 0,3-0,4m, rộng 0,3m, dài 1-1,5m. Bón vào rãnh cùng phân lân rồi lấp đất.
– Phân hoá học: Để xác định chế độ bón phân cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, lá có thể áp dụng định lượng phân bón sau: (tính cho mật độ bình quân 5.000 cây/ha).
+ Khối lượng phân nguyên chất:
Tuổi cà phê
Khối lượng phân nguyên chất (Kg/ha/năm)
N
P2O5
K2O
Trồng mới (năm 1)
40-50
150-180
30-40
Chăm sóc năm thứ 2
70-95
80-90
50-60
Chăm sóc năm thứ 3
160-185
80-90
180-210
Kinh doanh chu kỳ 1
255-280
90-120
270-300
Cưa đốn (nuôi chồi)
115-140
150-180
120-150
Kinh doanh chu kỳ 2
225-280
90-120
270-300
+ Khối lượng phân thương phẩm:
Tuổi cà phê
Khối lượng phân thương phẩm (Kg/ha/năm)
Urê
Super lân
Kaliclorua
Trồng mới (năm 1)
70-108
909-1.090
50-67
Chăm sóc năm thứ 2
152-206
485-545
84-100
Chăm sóc năm thứ 3
347-401
485-545
300-350
Kinh doanh chu kỳ 1
553-607
545-727
451-501
Cưa đốn (nuôi chồi)
250-304
909-1.090
200-250
Kinh doanh chu kỳ 2
553-607
545-727
451-501
(Căn cứ định lượng phân bón trên, tùy theo từng giống cà phê và mật độ trồng để tính toán điều chỉnh lượng phân cho phù hợp với từng mật độ trồng trên một đơn vị diện tích).
Ở thời kỳ kinh doanh hàng năm bón thêm 10-15kg ZnSO4 và 10-15kg H3BO3, trộn đều với đạm, kali bón hoặc phun trực tiếp lên lá với nồng độ 0,5%.
– Thời điểm bón: Tùy theo điều kiện thời tiết của từng vùng mà các đợt bón có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng. Mỗi năm có thể bón 4 lần như sau:
Loại phân
Tỷ lệ bón (%)
Tháng 2-3
Tháng 4-5
Tháng 6-7
Tháng 9-10
Đạm
20
30
30
20
Lân
100
–
–
–
Kali
20
30
30
20
Ngoài lượng phân theo định mức trên, để đảm bảo cho vườn cây bền vững, năng xuất cao ổn định thì 2-3 năm có thể bón vôi 1 lần với lượng 500-1.000kg/ha, bón vãi đều trong phạm vi tán, bón vào đầu mùa mưa.
– Cách bón: Nếu vườn cà phê có địa hình bằng phẵng thì bón vòng theo tán cây. Nếu cà phê trồng trên đất dốc thì bón phân theo một nửa bộ tán phía trên dốc theo dạng hình bán nguyệt.
Đối với cà phê còn nhỏ bón cách gốc 10cm thành dãi rộng 20cm ra phía ngoài mép tán.
Khi cây đã lớn bón cách gốc 20cm và bón thành dải rộng 30cm ra phía ngoài mép tán.
Khi cây vào thời kỳ kinh doanh, bón cách gốc 30cm theo dãi rộng 50cm ra phía ngoài mép tán.
– Xử lý vỏ cà phê làm phân bón:
Nguyên liệu: 1.000kg vỏ quả cà phê; Phân chuồng 200kg; Phân lân nung chảy 50kg; Phân urê 10kg; Vôi bột 15kg; Đường cát 2kg; Men sinh học 2kg.
Cách làm như sau: Để phân hủy vỏ cà phê tươi ta đắp thành đống rộng 1,2m, cao 1-1,2m, dài 5-10m, các đống cách nhau 1,2m.
Để làm thành từng đống, trước hết làm thành từng lớp vỏ dày khoảng 20cm, sau đó rãi 1 lớp phân lân hoặc vôi, nếu có thể thêm 1 ít phân chuồng. Cứ làm thành từng lớp cho đến khi đạt độ cao 1,2m. Sau 25-30 ngày đảo một lần, không nén chặt để cung cấp thêm ôxy cho vi sinh vật phân hủy.
Sử dụng vỏ cà phê đã được phân hủy: Bón lót cho trồng mới cà phê, bón cho vườn cà phê kinh doanh, bón cho các cây trồng khác thay phân chuồng.
3.9. Tưới nước: Sau trồng phải chú ý tủ gốc giữ ẩm. Khi cây thiếu nước, cần tưới nước vào mùa khô tưới 3-4 đợt. Mỗi đợt cách nhau 20-25 ngày. Lượng nước tưới tuỳ thuộc vào tuổi cây. Năm trồng mới và 2 năm tiếp theo tưới 200-300m3/ha/1lần tưới.
Các năm kinh doanh cần 400-500m3/ha/1lần tưới: Riêng đợt tưới cho cây cà phê kinh doanh vào thời điểm mầm hoa đã phát triển đầy đủ cần tưới 600m3/ ha/đợt đầu.
3.10. Tạo hình:
Không bấm ngọn để cây cà phê phát triển tự do theo chiều cao.
Có bấm ngọn: Tuỳ theo độ phì nhiêu của đất, giống, trình độ thâm canh, ngắt bỏ ngọn cà phê ở độ cao thích hợp. Các giống thấp cây, tán bé, khả năng phát triển chiều cao hạn chế như Catimor, Caturra, Catuai thì hảm ngọn 1 lần ở độ cao 1,8m; các giống cao cây như Burbon, Typyca, Mundonovo hảm ngọn 1 lần ở độ cao 1,4m, sau 2-3 năm các cành cơ bản páht sinh cành thứ cấp, các cành thứ cấp bị già cổi thì chọn 1 chồi vượt to khỏa gần đỉnh tán để nuôi tầng thứ 2 và hảm ngọn ở độ cao 1,8m.
Tạo hình nuôi quả: Trên cành cấp I cần tạo thêm các cành thứ cấp để các cành này mang quả trong thời kỳ kinh doanh.
Chú ý cắt bỏ những cành tăm, cành vòi voi, cành xà gần mặt đất, cành yếu ớt có sâu bệnh. Sau vụ thu hoạch cắt bỏ những cành cấp I yếu ớt không đủ sức phát sinh cành thứ cấp, sinh trưởng kém. Với cành cấp 1 có đoạn gốc tốt, đoạn non yếu ớt, rụng hết là, có biểu hiện khô cành thì củng cắt bỏ. Tỉa bớt cành thứ cấp nếu quá dày. Thông thường trên 1 cành cấp I chỉ để lại tối đa 4-5 cành thứ cấp trên cùng một đốt.
3.11. Chăm sóc vườn cà phê cưa đốn:
Vườn cà phê già cổi không còn khả năng cho năng suất cao, không có hiệu quả kinh tế thì tiến hành cưa đốn phục hồi, chuyển sang chu kỳ kinh doanh 2.
Thời vụ đốn từ tháng 3 – 4 sau thu hoạch hoặt đầu mùa mưa.
Kỹ thuật cưa đốn: Cưa thân, để lại đoạn gốc cách mặt đất 20-25cm, bề mặt cắt phải phẳng và vát 1 một góc không hướng về phía tây, sau đó chuyển toàn bộ thân ra khỏi vườn. Rong tỉa cành cây che bóng để cho ánh sáng lọt vào khoảng 60-70%.
– Chăm sóc:
+ Bón 5-10 kg phân chuồng và 0,2-0,3kg phân lân/gốc. Rãi đều 500-1.000kg vối/ha, cuốc xới toàn bộ đất giữa hai hàng gốc cà phê để trộn vôi vào đất và làm tơi xốp đất.
+ Sau khi cưa 1-2 tháng, giữ lại 4-5 chồi khỏe phân bố đều trên thân gốc. Khi các chồi cao 20-30cm chọn giữ lại 2 chồi để tạo thân, thường xuyên loại bỏ tất cả các chồi vượt phát sinh.
+ Đầu mùa mưa tiến hành bón phân hóa học theo định lượng và phương pháp bón như đã trình bày ở phần trên.
+ Tiến hành gieo xen cây phân xanh họ đậu và cây đậu đỗ vào giữa hai hàng cà phê, thân lá ép xanh.
+ Chiều cao hảm ngọn ở chu kỳ này là 1,6-1,8m và tiến hành tỉa cành, tạo tán như chu kỳ đầu.
IV. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI:
A. Sâu hại:
1. Mọt đục cành (Xyleborus morstatti)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Trứng màu trắng, kích thước rộng 0,3mm và dài 0,5mm; Sâu non đẫy sức dài khoảng 2mm màu trắng kem, đầu màu nâu nhạt, không có chân; Nhộng màu trắng kem, dài gân như con trưởng thành; trưởng thành cơ thể có chiều dài gấp đôi chiều rộng. Con cái màu nâu sẫm đến đen hoàn toàn, dài 1.4-1.9mm. Con đực nhỏ không có cánh dài 0.8-1.1mm. Giai đọan trứng kéo dài 3-5 ngày, thường sau 4 ngày nở khoảng 80% trứng. Con cái đục vào cành bằng một lỗ nhỏ (1mm) ở mặt dưới của cành, xâm nhập vào giữa cành, đào một hầm ngầm và đẻ trứng ở đó. Mỗi ổ khoảng 30-50 trứng. Sâu non phát triển ở thành vách của hầm ngầm. Mọt phát triển mạnh vào các tháng 3-6 hàng năm, chủ yếu phá hại trên cây cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (2-3 năm) trước khi bước vào thời kỳ kinh doanh. Vòng đời của mọt đục cành: 30-35 ngày gồm trứng 5-6 ngày, sâu non 12-15 ngày, nhộng 7-8 ngày, trưởng thành 16-19 ngày. Cành bị hại khá rõ rệt, lá có màu nâu sẫm và bị héo rũ nhanh chóng, rồi chết khô trên cây. Bẻ cành xuống, chẻ đôi thấy một đoạn cành đã bị mọt đục rỗng ở giữa.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Trồng cây che bóng. Nên cắt bỏ phần bị mọt hại và phải đốt tiêu hủy (chú ý phải cắt bỏ đồng loạt)
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng luân phiên các loại thuốc sau để phòng trừ: Diazinon (Diaphos 50EC); Chlorpyrifos Ethyl (Anboom 48EC, Pyritox 200EC); Abamectin (Tungatin 3.6EC); Buprofezin 10% + Chlorpyrifos Ethyl 40% (Penalty gold 50EC); Chlorpyrifos Ethyl 50% + Cypermethrin 5% (Tungcydan 55EC); Alpha-cypermethrin 2% + Chlorpyrifos Ethyl 38% (Careman 40EC); Abamectin 50 g/l + Matrine 5 g/l (Amara 55EC); Alpha-cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl + Imidacloprid (Spaceloft 595EC); Alpha-cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl + Indoxacarb (Vitashield gold 600EC)
2. Sâu đục thân (Xylotrechus Quadripes)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Trứng màu ngà, sâu non trắng ngà luôn nằm thẳng, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt, răng cứng khỏe; trưởng thành thuộc họ xén tóc dài 17-18mm, ngang 5-7mm. Râu đầu thẳng và có nhiều đốt. Cánh cứng màu đen có các khoang đen hình chữ nhân xen kẽ các vạch vàng xám cũng hình chữ nhân. Lưng ngực màu vàng xám; nhộng trần màu vàng. Gây hại làm lá non biến dạng, mép lá hơi xoăn, phiến lá không phẳng phiu, chuyển từ xanh bóng sang xanh đậm màu xỉn; trên thân, có các vết lằn vòng quanh dưới vỏ cây. Trên cây đã bị sâu xâm nhập và đã vũ hóa bay đi, phát hiện các lỗ nhỏ tròn. Trên các vết lằn, do nhựa bị tắt nghẽn không nuôi cây, toàn bộ cành lá phía trên đều bị vàng úa, cằn cỗi, trong khi các cành phía dưới vẫn xanh tốt. Cây dễ bị gãy gục ở đoạn sâu đục. Trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của vỏ thân rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nơ, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Khi sắp chuyển thành nhộng, sâu đục ra phía gần vỏ, cho tới khi vỏ sắp thủng thì dừng lại. Sâu lột nhộng ở gần vỏ. Sâu đục thân phát triển quanh năm nhưng có 2 đợt chính vào tháng 4, 5 và 10, 11. Trưởng thành ưa đẻ trứng vào những cây ít cành, thưa lá. Chúng hoạt động mạnh khi nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều. Vòng đời của sâu đục thân: Trứng 15-32 ngày, sâu non 60-120 ngày, nhộng 30-35 ngày, trưởng thành 25-30 ngày
– Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có một hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới. Đối với cây bị hại nặng cần cưa cắt đoạn thân có sâu đem đốt tiêu hủy.
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc: Diazinon (Diazol 10GR, Diazan 50EC); Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC)
3. Sâu đục quả (Prophantis smaragdina)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Trưởng thành là loài ngài rất nhỏ, màu nâu vàng sải cánh dài 14mm ; trứng hình vảy, sâu non màu đỏ tím đẫy sức dài 14mm; nhộng màu nâu. Ngài đẻ trứng từng quả ở gần quả xanh. Sâu non gặm thịt quả, phá hoại từ quả này sang quả khác. Quả bị hại có màu vàng úa, sau bị thối. Giữa những quả bị hại thường có phân sâu lẫn với tơ quyện vào nhau. Sâu non phát triển khoảng 2 tuần rồi xuống đất hóa nhộng ở những lá rụng trên mặt đất. Vòng đời của sâu đục trái: trứng: 7 ngày, sâu non: 13-15 ngày, trưởng thành: 15-20 ngày, nhộng: 6 ngày (mùa hè), 20-30 ngày (mùa rét).
– Biện pháp phòng trừ: Có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Diazinon (Diaphos 50EC) ; Chlorpyrifos Methyl (Sieusao 40EC) ; Alpha–cypermethrin (Anphatox25EW, Antaphos 100EC) ; Beta -Cyfluthrin (Bulldock 025); Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Subside 505EC)
4. Rệp sáp (Pseudococcus mercaptor, Pseudicocus spp)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Rệp trưởng thành có hình bầu dục trên mình có nhiều sợi sáp dài trắng xốp. Trưởng thành đực mình thon dài, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn, trứng bầu dục dính với nhau thành ổ tròn, bên ngoài có lông tơ bao phủ, rệp non mới nở màu hồng. Chưa có sáp bên mình, chân khá phát triển. Vòng đời của rệp sáp: trứng 3-5 ngày, rệp non 6-7 ngày, trưởng thành 20-30 ngày. Cà phê thường bị 2 loại rệp sáp gây hại: hại chùm quả, lá và hại rễ.
+ Loài rệp hại lá, quả: bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Mùa mưa sinh sản rất nhiều làm quả rụng.
+ Rệp sáp hại rễ thì sinh sống ở quanh rễ, dưới đất, tạo ra một lớp bọc không thấm nước ở quanh trục rễ. Những cây bị hại lá vàng, héo và chết.
– Biện pháp phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc sau: Chlorpyrifos Ethyl (Lorsban 30EC, Mapy 48 EC, Maxfos 50 EC); Diazinon (Diazan 10GR); Dimethoate (Bini 58 40 EC, Dimenat 20EC); Acephate (Monster 40 EC); Abamectin (Reasgant 1.8EC, Tungatin 3.6 EC); Cypermethrin (SecSaigon 50EC); Alpha-cypermethrin (FM-Tox 25EC, Motox 2.5EC); Cypermethrin + Dimethoate (Nitox 30 EC); Cypermethrin + Profenofos (Polytrin P 440 EC); Dimethoate + Etofenprox (Difentox 20EC); Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (Tasodant 6G, Sago – Super 20EC); Fenitrothion + Trichlorfon (Ofatox 400WP); Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Serpal super 585EC, Rầy USA 560EC); Buprofezin + Chlorpyrifos Ethyl (Penalty gold 50EC)
5. Mọt đục quả (Stephanoderes hampei Ferr.)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Mọt trưởng thành là bọ cánh cứng nhỏ, nâu hoặc đen, dài từ 2.5mm đến 4mm. Con cái to hơn con đực và có cánh màng. Mọt thường đục 1 lỗ tròn nhỏ cạnh núm hay giữa núm quả để chui vào trong nhân, đục phôi nhũ tạo thành các rãnh nhỏ để đẻ trứng. Sâu non ăn phôi nhũ hạt. Thường mọt chỉ phá hoại một nhân nhưng khi số lượng mọt tăng thì phá hại luôn nhân còn lại, thường thấy ở những quả cuối vụ thu hoạch và giữa 2 vụ thu hoạch.
Vòng đời của mọt đục quả biến thiên từ 45-54 ngày. Mọt tập trung phá hại trong các quả chín, nhất là các quả khô trên cây và rụng dưới đất. Số lượng con trưởng thành trung bình trong một quả trong các tháng đầu vụ là 0.9 – 2.1 con. Số lượng con trưởng thành trung bình trong quả chín là 10.0 – 92.0 con. Số lượng mọt trưởng thành trên quả khô tăng từ tháng hai đến tháng tư sau đó giảm khi có quả chín. Đối với quả non thì hầu hết mọt đục vào rồi bỏ đi, càng về sau nhân càng cứng thì tỷ lệ quả có mọt càng cao đến tháng 10 (khoảng 8 tháng tuổi) là lúc hoàn toàn thích hợp cho mọt. Mọt xuất hiện trên cả ba giống cà phê: chè, vối, mít ngoài ra còn gặp mọt trên một số cây như: Cốt khí, muồng hoa vàng, đậu ma, keo dậu.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch bằng cách tận thu tất cả các quả khô và chín còn sót lại ở trên cây và dưới đất. Bảo quản ở ẩm độ từ 12.5% – 13.9% thì tất cả mọt trưởng thành đều chết. Do đó nên bảo quản ở ẩm độ hạt dưới 13%.
+ Biện pháp hóa học : Có thể phun một trong các loại thuốc như Diazinon (Danasu 50EC), Deltamethrin(Decis 2.5 EC).
6. Rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại :
+ Rệp muội: có 2 loại đen và xanh giống nhau về hình dáng. Trưởng thành có cánh hoặc không có cánh. Rệp đẻ thẳng con. Rệp non và trưởng thành giống nhau về hình dáng, bụng phình to, cuối thân có 2 ống tiết dịch. Hại nhiều loại cây trồng như chè, cà phê, cam quýt…rệp bám vào các ngọn lá non để hút dịch làm cho lá non cong queo, phát triển không bình thường. Rệp muội phát triển quanh năm nhưng nhiều nhất là khi cà phê ra búp non.
+ Rệp vảy nâu: Trưởng thành cái không có cánh và được bọc bằng vỏ nâu, phồng lên hình bán cầu dài 2-3mm. Trưởng thành đực có cánh dài 1,2mm, màu xanh vàng nhạt. Trứng nhỏ được đẻ thành ổ ở dưới vỏ của con cái, khi nở rệp chưa có vỏ màu vàng nhạt hình bầu dục, rệp bám vào cành lá hút dịch cây làm cho cành lá kém phát triển. Rệp thường gây hại vào mùa khô.
+ Rệp vảy xanh: Trưởng thành cái không có cánh mình dẹt, vỏ mềm và màu xanh. Rệp non màu vàng xanh. Rệp vảy xanh cũng dính bám vào lá và cành non để hút dịch cây, làm lá biến vàng.
- Biện pháp phòng trừ: Sử dụng các thuốc sau: Acephate (Lancer 50SP); Benfuracarb (Oncol 20EC); Chlorpyrifos Ethyl (Pyritox 480EC); Fenobucarb (Nibas 50EC); Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC); Imidacloprid (Confidor 100SL); Alpha – cypermethrin + Profenofos (Profast 210EC)
7. Ve sầu:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Tại Lâm Đồng hiện có 2 loài ve sầu xuất hiện trên cà phê:
+ Loài nhỏ: Được định danh là loài Purana guttularis Walker, thuộc họ Cicadidae, bộ cánh đều Homoptera.
+ Loài lớn: (có 3 loài) + 1 loài được định danh có tên khoa học là Pomponia sp, thuộc họ Cicadidae, bộ cánh đều Homoptera.
+ 2 loài chưa định danh được. Hầu hết các loài ve sầu có vòng đời kéo dài từ 2 – 5 năm, cá biệt một số loài có vòng đời từ 13 đến 17 năm. Các loài ve sầu trên chưa xác định chính xác được vòng đời .
Con cái dùng máng đẻ trứng cứa vào cành nhỏ đã bị khô để đẻ trứng (đường kính 0.5-1cm), ngoài ra ve sầu còn đẻ trứng dưới lớp vỏ của thân cây, hoặc tại các cành đã hóa gỗ. Trứng được đẻ rải rác hoặc từng ổ khoảng 10-20 ổ trứng. Mỗi con cái có thể đẻ từ 400-600 trứng tương đương khoảng 40-50 ổ trứng. Thời gian phát dục của trứng từ 4-14 tuần tuỳ thuộc loài và điều kiện ngoại cảnh. Trứng sau khi nở ra ấu trùng tuổi 1 sẽ rơi xuống đất, ấu trùng đào hang sâu dưới đất từ 15-40cm để bắt đầu pha ấu trùng kéo dài 2-17 năm. Ấu trùng chích hút hệ thống rễ của cây để sống. Nhộng ve sầu hút nhựa từ rễ cây và có đôi chân trước rất khỏe để có thể khoét ngạch di chuyển từ rễ này tới rễ khác. Sau 5 lần lột xác, chúng đạt kích thước tối đa và đào một đường hầm chui lên khỏi mặt đất để vũ hóa. Sau khi lên mặt đất chúng bám vào cây, làm nứt da cũ dọc lưng và lột xác lần cuối để thành ve sầu trưởng thành. Ấu trùng đến kỳ vũ hoá bò lên khỏi mặt đất vào ban đêm, chúng leo lên cành, lá cây để chuẩn bị lột xác lần cuối thành con trưởng thành. Loài 13-17 năm thường vũ hoá đồng loạt, trùng hợp trong vài ngày (thường vào giữa tháng 5 đầu tháng 6). Loài 2-7 năm thường vũ hoá từ tháng 4-9 hàng năm. Ve sầu trưởng thành chỉ sống từ 2-4 tuần. Cả con đực và con cái đều không ăn uống trong giai đoạn này, vai trò duy nhất của chúng là thực hiện chức năng sinh sản để duy trì nòi giống, mà năng lượng dùng để thực hiện chức năng này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng khi còn ở dưới mặt đất. Ve sầu đực kêu thành các bài hát để quyến rũ bạn tình. Ve sầu cái không kêu. Sau khi bắt cặp và đẻ trứng chúng hoàn tất vòng đời.
Vườn cà phê bị ve sầu gây hại: Cây cằn cọc lá úa vàng, các cành dinh dưỡng phát triển kém, chồi ngọn và lá ra ít, nếu bị hại nhẹ thì cây còn xanh, lá cà phê mo lại lên phía trên, nếu bị nặng thì rụng lá, rụng trái xanh bất thường, quả non phát triển chậm ngay cả sau khi bón phân đầu mùa mưa. Các rễ tơ ở độ sâu 0 -15cm phát triển chậm, một số rễ bị đen, thối từ đầu rễ vào do một số loài nấm, tuyến trùng tấn công vào vị trí rễ bị ấu trùng ve sầu gây hại. Trên thân, cành và lá cà phê phát hiện rất nhiều xác ấu trùng đã vũ hóa.
– Nguyên nhân sự bùng phát của ve sầu: Do mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Sự giảm sút các loài thiên địch bắt mồi, ong, kiến ăn mồi, nhện, bọ rùa, đuôi kìm …nên ve sầu bùng phát mạnh và do một số nấm, tuyến trùng kí sinh rễ cây cà phê sau khi ấu trùng ve sầu gây hại bộ rễ, chúng tấn công vào vị trí bị hại của rễ.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế trưởng thành đẻ trứng; thu gom toàn bộ những cành khô, vỏ thân cây đã khô mục nơi trưởng thành để trứng đem đốt để làm giảm mật độ trứng ve trên đồng ruộng; hàng năm sau khi thu hoạch xong cần cào bồn tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng ve sầu tuổi nhỏ (tuổi 1-2); dùng tăm xe máy, chọc xuống các lỗ để giết ấu trùng; dùng màng nilon phủ dưới đất xung quanh gốc cây không cho ấu trùng ve sầu sau khi nở chui xuống đất. Hoặc dùng nilon quây quanh gốc cà phê vào thời kỳ ve sầu vũ hóa mạnh từ tháng 5-9 để thu bắt trưởng thành, bón phân cân đối hợp lý. Thực hiện đúng quy trình canh tác cà phê bền vững.
+ Biện pháp sinh học: Vào thời điểm ve sầu vũ hóa rộ tháng 5-9 sử dụng bẫy đèn để thu hút trưởng thành vào bẫy tiêu diệt. Theo kết quả theo dõi trong năm 2008 thì thời gian ve sầu vào đèn nhiều nhất từ 6h30-7h tối. Chú ý loại bóng đèn sử dụng trong bẫy phải là loại bóng cao áp từ 400-500W. Khi sử dụng biện pháp này nên sử dụng vải mùng làm tấm lưới chắn để ve sầu dễ mắc bẫy, mặt khác đặt bẫy tại các khu vực xa khu dân cư, ít ánh sáng đèn thì khả năng thu hút cao hơn.
Bảo vệ các loài thiên địch có khả năng hạn chế sự gây hại của một số loại côn trùng hại cà phê như: kiến, nhện, ong, bọ rùa đỏ, bọ mắt vàng…bằng cách dùng các loại thuốc có tính xua đuổi kiến vào thời kỳ rệp phát triển mạnh, không nên sử dụng thuốc có độ độc cao để tiêu diệt kiến.
Dùng các chế phẩm sinh học như: Nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ ấu trùng: sử dụng chế phẩm Metament 90DP với liều lượng: 600gr thuốc + 3 -5lít nước/gốc tuỳ theo tuổi cây cà phê. Hoặc chế phẩm Bemetent với thành phần là 3 chủng nấm (Beauveria bassiana, Metarhizium anisopliae và Entomophthora sp) liều lượng sử dụng 5g/lít nước, tưới 2 lít/gốc.
Kiến vàng, rắn, chim, các loài ong bắp cày là những loài thiên địch của ve sầu. Kiến ăn thịt ve sầu con vừa nở hoặc vừa lột xác sau khi chui lên mặt đất. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc hoá học tiêu huỷ trắng thảm thực vật (cỏ dại) nhằm duy trì hệ sinh vật đất và giữ phong phú hệ rễ thực vật, tạo nhiều nguồn thức ăn cho ấu trùng.
+ Biện pháp hoá học: Đối với ấu trùng ve sầu cần thường xuyên kiểm tra bộ rễ cà phê, khi phát hiện có ấu trùng tuổi nhỏ xuất hiện thì tiến hành xử lý.
Khi sử dụng thuốc phòng trừ ve sầu nên tiến hành ở giai đoạn ấu trùng ve sầu mới nở, cần phải cào kỹ lớp lá khô, cỏ, lớp đất mặt ở trên để lộ miệng lỗ ấu trùng, sau đó xử lý bằng cách rải đều các loại thuốc dạng hạt, tiến hành lấp đất và tưới nước. Luân phiên sử dụng một trong các loại thuốc sau: Diazinon (Cazinon 10 H); Fipronil (Regent 0.3GR, Suphu 10GR); Chlorpyrifos Methyl (Sago – Super 3 G); Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (Tasodant 6G)
B. Bệnh hại:
1. Bệnh rỉ sắt (Hemileia vastatrix )
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên lá, lúc đầu vết bệnh là những đốm tròn nhỏ màu vàng, sau vết bệnh lớn dần và có lớp phấn màu vàng da cam rất sáng ở dưới mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng và rụng, cây sinh trưởng còi cọc. Bệnh do nấm Hemileia vastatri gây hại, bào tử phát tán và lây lan mạnh nhờ gió, côn trùng và công nhân chăm sóc. Bào tử có thể chịu đựng được nhiều tháng trong điều kiện bất lợi cho nảy mầm. Bào tử nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 240C sau 2-4 giờ và phát triển nhanh ở độ ẩm 80-90%. Thời gian ủ bệnh là 6-12 giờ. Các giống cà phê ở Việt Nam đều nhiễm bệnh gỉ sắt. Arabica nhiễm nặng nhất, tiếp đến là Exelsa và Robusta.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ và cân đối, tạo hình thông thoáng, tỉa cành hợp lý giúp cây sinh trưởng tốt. Dùng giống kháng bệnh như: S.73, Catimor F6. Hạn chế sử dụng các giống mẫn cảm với bệnh gỉ sắt như Caturra, Typica, Mundo Novo…
+ Biện pháp hóa học: Có thể dùng các loại thuốc sau phun kỹ lên hai mặt lá như: Hexaconazole (Anvil 5SC, Annongvin 50 SC,); Propiconazole (Tilt 250 EC, Bumper 250 EC); Diniconazole (Nicozol 25 SC); Chlorothalonil (Forwanil 50SC); Mancozeb (Penncozeb 80 WP, Dithane F-448 43SC); Carbendazim (Daphavil 50 SC, Arin 25SC); Triadimefon (Bayleton 250 EC, Encoleton 25 WP); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300EC, Tinitaly surper 300.5EC);Isoprothiolane + Propiconazole (Tung super 300EC); Carbendazim + Tricyclazole + Validamycin (Carzole 20 WP)
2. Bệnh khô cành qủa (Anthracnose)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Do nấm Colletotrichum gloesporioides gây nên trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng, bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng bệnh phát triển mạnh lúc cà phê ra hoa, kết quả. Mưa nhiều vào buổi chiều tối làm phát tán bào tử và làm bào tử xâm nhiễm vào quả. Bệnh gây hại trên lá, quả, cành và thân cà phê; trên lá bệnh xâm nhập vào đầu lá hay phiến lá, triệu chứng ban đầu là những vết loang lổ màu nâu có nhiều vòng đồng tâm, sau đó lan rộng ra chuyển sang màu nâu sẫm hay nâu đen. Các vết bệnh xuất hiện nhiều liên kết với nhau thành từng mảng lớn làm cho lá bị khô rụng; trên cành và thân: Bệnh tấn công lên cành ở các giai đọan cành đang hóa gỗ và xâm nhập vào đầu cành mang quả qua vết nứt của lá. Trên cành có những vết nâu lõm xuống làm vỏ biến màu nâu đen và khô dần. Bệnh nặng, nấm xâm nhập cả cành lớn và lan cả thân làm rụng lá và cành trơ trụi khô đen. Mô thân bị nhiễm cũng hóa đen; trên quả nấm tấn công vào giai đọan quả thành thục 6-7 tháng. Vết bệnh là những đốm nâu lõm vào phần vỏ quả có kích thước và hình thù khác nhau. Bệnh xuất hiện bắt đầu từ nơi đính vào cuống hay tại điểm tiếp xúc giữa hai quả, những nơi mà nước có thể đọng lại. Bệnh nặng làm lá, cành, quả khô đen và rụng làm cành trơ trụi.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, dùng cây che bóng. Cắt và gom những đoạn cành bị bệnh đốt tiêu hủy.
+ Biện pháp hóa học: Dùng luân phiên một trong các loại thuốc sau: Propineb (Antracol 70WP, Newtracon 70 WP); Copper Hydrocide (Kocide 53.8DF); Mancozeb(Manozeb 80WP); Carbendazim (Carban 50SC, Binhnavil 50SC); Hexaconazole (Tungvil 5SC); Validamycin (Tung vali 3SL); Hexaconazole + Tricyclazole (Forvilnew 250SC).
3. Bệnh đốm mắt cua (Cercospra offeicola)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh do nấm Cercospora coffeicola gây ra trong điều kiện cây bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng. Gây hại trên lá, quả, cành. Cây bị bệnh nặng thường cằn cỗi, chậm phát triển, lá vàng và rụng, quả vàng và chín ép. Vết bệnh trên lá và quả thường có hình tròn, trong có nhiều vòng đồng tâm, chính giữa màu xám có các chấm đen nhỏ, xung quanh nâu đỏ, ngoài cùng vàng. Trên cành, vết bệnh chạy dọc theo chiều dài cành. Quả bị nấm gây hại nặng có thể bị thối đen từng phần hoặc toàn bộ. Bệnh xuất hiện phổ biến trong vườn ươm và thời gian kiến thiết cơ bản. Bệnh phát triển quanh năm đặc biệt là trên các vườn chăm sóc kém, thiếu phân bón hoặc trồng trên đất xấu.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Có thể trồng cây che bóng, bón phân đầy đủ và hợp lý để cây có đủ sức kháng bệnh.
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc Hexaconazole (Dibazole 10 SC)
4. Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh gây hại trên quả và cành. Đầu tiên trên quả hay cành xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng đó là bào tử của nấm. Nếu xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và lan dần cả quả làm cành bị chết khô, quả thì héo và rụng non. Đây là bệnh gây hại nặng trên cà phê chè, cà phê vối cũng bị rải rác. Cây cà phê kiến thiết cơ bản có thể chết nếu bị bệnh nặng. Trên cà phê vối kinh doanh bệnh thường gây hại có tính cách cục bộ từng cây, làm chết từng cành, nếu nặng có thể chết cả 1/2 tán cây. Cho đến nay chưa thấy có hiện tượng chết cả cây cà phê vối kinh doanh do nấm hồng.
Bệnh thích hợp với điều kiện ẩm độ cao nhưng lại nhiều ánh sáng. Do đó trong vườn cây, bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới. Bệnh phát triển rất nhanh trên cây, tốc độ làm chết cành rất nhanh. Nhưng lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm. Thời gian phát triển của bệnh cũng không kéo dài. Bệnh thường phát sinh từ tháng 6,7, phát triển mạnh từ tháng 7 đến tháng 9, cao điểm vào tháng 9. Sự phát sinh phát triển của bệnh chịu ảnh hưởng nhiều bởi ẩm độ không khí. Năm nào mưa nhiều, ẩm độ không khí cao thì bệnh nặng hơn. Các vườn cà phê rậm rạp, tạo hình không thông thoáng, vườn cây ẩm thấp thưòng bị bệnh nặng hơn.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Tạo hình thông thoáng cho vườn cây, thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là những năm có mưa nhiều để phát hiện bệnh sớm. Sau đó cắt, đốt các cành bệnh. Trên cà phê vối nếu cắt bỏ cành bệnh kịp thời có thể phòng trừ bệnh nấm hồng mà không cần phải dùng thuốc hóa học.
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc sau: Validamycin (Validacin 3L, Valivithaco 3L,Vali 5DD); Copperhydroxide (Champion 77WP); Hexaconazole(Annongvin 200SC, Tungvil 5SC, Anvil 5SC, Saizole 5SC); Carbendazim (Arin 25SC); Carbendazim + Hexaconazole (Vilusa 5.5SC); Carbendazim + Tricyclazole + Validamycin (Carzole 20 WP)
5. Bệnh lở cổ rễ:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh do nấm Rhizoctonia sp + Fusarium Oxysporum + Pythium gây ra trong điều kiện mùa mưa, chủ yếu trên cà phê 2 năm tuổi. Bệnh gây hại cả trong vườn ươm. Cây sinh trưởng chậm, lá vàng rất dễ nhầm với vàng lá do kém chăm sóc và thiếu dinh dưỡng. Một phần cổ rễ (phần thân tiếp giáp với rễ cọc, cách mặt đất khoảng 20-30cm) bị khuyết dần vào trong, sau đó vết khuyết sâu hơn, cây vàng dần và chết.
– Biện pháp phòng trừ: Đất trồng cà phê phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, nước ngầm thấp. Cây con phải đủ tiêu chuẩn trồng, sạch sâu bệnh. Trồng cây chắn gió. Tránh tạo vết thương phần gốc cây qua việc làm cỏ và đánh chồi sát gốc. Đối với những cây bị hại nặng cần nhổ bỏ và đốt tiêu hủy. Sau đó xử lý hố như đối với bệnh thối rễ cọc trước khi trồng lại. Đối với cây bị hại nhẹ, luân phiên sử dụng các loại thuốc sau Dẫn xuất Salicylic Acid (Sông Lam 33350EC); Trichoderma viride (Biobus 1.00WP); Validamicin (Valijapane 3SL).
6. Bệnh thối cổ rễ:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh chủ yếu do nấm Fusarium sp, thường xuất hiện vào giữa mùa mưa trên cà phê 2 năm tuổi. Nấm bệnh tồn tại trong đất xâm nhập vào cây qua vết thương. Cây sinh trưởng chậm, gốc bị long, phần cổ rễ thối đen, nhỏ lại so với thân, gỗ bên trong bị khô, bệnh phát triển và lây lan rất nhanh làm lá héo vàng và cây bị chết.
– Biện pháp phòng trừ: Như đối với bệnh lở cổ rễ.
7. Thối rễ cọc:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Chủ yếu là do tuyến trùng gây hại rễ tạo điều kiện thuận lợi cho một số nấm bệnh xâm nhập vào gây hại. Đầu mùa khô khi dứt mưa cây có biểu hiện vàng lá do rễ cọc bị thối và đứt ngang, rễ tơ gần mặt đất phát triển mạnh. Cây bị nặng rễ tơ cũng bị thối. Do không có rễ cọc, các cây bị bệnh dễ bị nghiêng khi có gió to và rất dễ nhổ lên bằng tay.
– Biệp pháp phòng trừ: Nhổ bỏ các cây bị thối rễ, đào và phơi hố trong mùa khô sau đó xử lý hố như trên trước khi trồng lại.
Xử lý hố trước khi trồng bằng cách bón vôi (1kg/hố), phòng trừ tuyến trùng Ethoprophos (Vimoca 20ND) trước khi trồng 15 ngày. Sử dụng hoạt chấtChaetomium cupreum (Ketomium 1.5 x 106 cfu/g bột) để hạn chế bệnh thối rễ.
8. Thối rễ tơ:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh do nấm Rhizoctonia Bataticola + Fusarium Oxysporum gây hại. Cây bị bệnh phát triển chậm, lá vàng dần, rễ tơ bị thối đen từ chóp rễ vào. Cây bị nặng rễ lớn cũng bị thối đen từ lớp vỏ ngoài vào làm cho cây bị kiệt sức vì không hấp thu được dinh dưỡng và chết. Bệnh gây hại trên cà phê kinh doanh và cả trên cà phê kiến thiết cơ bản. Cây thường có biểu hiện vàng từ tháng 9 trở đi và đến mùa khô thì giảm, nếu nhẹ thì sau khi tươí nước xong cây lại xanh nhưng đến năm sau cây lại bị lại.
- Biện pháp phòng trừ: Bón phân đầy đủ và cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học cải tạo đất. Hạn chế xới xáo, làm bồn trong những vườn cây đã bị bệnh để tránh gây vết thương cho rễ. Không tưới nước tràn từ vườn bị bệnh sang vườn không bị bệnh. Cần điều chỉnh hệ thống thoát nước cho hợp lý. Đối với cây bị hại nhẹ có thể dùng thuốc trừ tuyến trùng tưới quanh gốc cách nhau 10-15 ngày/1 lần. Đối với cây bị hại nặng cần đào và đốt tiêu hủy những cây bị bệnh, sau đó xử lý hố như đối với bệnh thối rễ cọc.
9. Bệnh nhũn cổ rễ:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bệnh do các loài nấm Fomes noxius + Fusarium sp + Rhizoctonia gây nên. Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa trên cà phê kinh doanh. Cây bị hại nhẹ: cây còi cọc, sinh trưởng, phát triển kém, vỏ cổ rễ bong ra, cổ rễ mềm xốp hơn các cây bình thường; cây bị hại nặng: cổ rễ nhũn, phần rễ bên trong khô, toàn bộ hệ thống bên trong đen và khô cây trơ cành trụi lá làm cây chết.
– Biện pháp phòng trừ:
Bón phân đầy đủ, cân đối và hợp lý. Cần bón phân hữu cơ hoai mục và các chế phẩm cải tạo đất. Thường xuyên theo dõi cây trồng để phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đào đốt những cây bị bệnh, xử lý hố bằng các loại thuốc như đối với bệnh thối rễ cọc, rễ tơ.
10. Tuyến trùng hại rễ (Pratylenchus coffeae Meloidogyne spp.)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại:
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do tuyến trùng Pratylenchus coffeae kết hợp với nhiều loại nấm, chủ yếu là Fusarium solani,, Fusarium oxysporum, trong một số trường hợp còn có sự phối hợp với rệp sáp. Các ký sinh này có sẵn trong đất và rễ của các vườn cà phê già cỗi và chỉ làm suy yếu các vườn này nhưng lại dễ dàng gây chết cho cà phê kiến thiết cơ bản khi trồng lại. Tuyến trùng gây hại trên tất cả các loại tuổi cà phê, cả trong giai đoạn vườn ươm. Cà phê chè thường bị hại nặng hơn cà phê vối. Trên đồng ruộng, triệu chứng đầu tiên thường là 1 mảng hay 1 vùng cây sinh trưởng kém trong khi các cây chung quanh sinh trưởng tốt. Triệu chứng thể hiện rõ nhất là cây sinh trưởng kém, thiếu dinh dưỡng (vàng lá), héo khi thời tiết nóng hay khô, giảm năng suất và chất lượng. Ở cây cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, bệnh xuất hiện chủ yếu trên các vườn trồng lại trên đất các vườn cà phê già cỗi và các vườn kinh doanh đã bị tuyến trùng gây hại. Cây có triệu chứng vàng lá rất rõ vào đầu mùa khô, sau khi dứt mưa và chưa tưới nước do rễ cọc bị thối và đứt ngang. Bộ rễ tơ gần mặt đất phát triển mạnh, ở cây nặng rễ tơ cũng bị thối. Trong mùa mưa nếu được chăm sóc tốt cây vẫn xanh nhờ hệ thống rễ tơ gần mặt đất nhưng do không có rễ cọc nên các cây bệnh dễ bị nghiêng khi có gió to. Cây bị bệnh rất dễ nhổ lên bằng tay.
Trên cà phê kinh doanh, cây bị bệnh chậm phát triển (mặc dầu đã được chăm sóc, bón phân đầy đủ), lá vàng dần, rất dễ nhầm với triệu chứng vàng lá do cây chăm sóc kém và thiếu dinh dưỡng, cành khô, rễ tơ bị thối đen từ chóp rễ vào. Ở cây nặng, rễ lớn cũng bị thối từ lớp vỏ ngoài vào, rễ bị mục, dần dần cây không hấp thu được dinh dưỡng và chết. Cây thường có biểu hiện vàng lá từ tháng 8, 9 trở đi và đến mùa khô thì giảm. Nếu bị bệnh nhẹ, sau khi tưới nước cây sẽ xanh lại nhưng đến mùa mưa năm sau sẽ vàng lại.
Đối với các vườn cà phê kinh doanh, bệnh thường xuất hiện ở những vườn cho năng suất cao trong một thời gian dài nhưng không được bổ sung phân hữu cơ cũng như bón phân hóa học không cân đối khiến cây kiệt sức và giảm sức đề kháng. Tuyến trùng gây hại cây chủ yếu sống trong đất. Trứng của tuyến trùng có thể tồn tại rất lâu trong đất và trên các tàn dư thực vật khi không có cây ký chủ hay khi gặp điều kiện không thuận lợi.
Tỷ lệ cây chết ở các vườn không được rà và thu gom rễ cẩn thận sau khi thanh lý có thể lên đến 70 – 80 %. Ẩm độ đất cao tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến trùng phát triển, tuy nhiên đất quá ẩm hay quá khô cũng làm chết tuyến trùng. Đa số tuyến trùng chết ở nhiệt độ 50-550C. Tuyến trùng có thể di chuyển theo nước nên biện pháp tưới tràn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan nhanh. Việc xới xáo, vét bồn trong các vườn đã bị bệnh cũng tạo điều kiện cho bệnh lây lan và phát triển vì tạo vết thương cho rễ.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Trong vườn ươm: Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng để ươm cây. Phải thay đổi vị trí của vườn ươm nếu phát hiện có tuyến trùng.
+ Đối với cà phê kiến thiết cơ bản trồng lại: Trong quá trình khai hoang phải rà rễ nhiều lần, nhặt sạch các rễ cũ còn sót lại. Sau đó phải tiến hành các biện pháp cải tạo đất, luân canh bằng các cây lương thực ngắn ngày hoặc cây phân xanh đậu đỗ ít nhất trong 2 – 3 năm. Xử lý hố trước khi trồng bằng cách đốt hố, bón vôi (1 kg/hố) kết hợp với bón lót phân chuồng, rải thuốc tuyến trùng như Mocap 10G (50g/gốc), Vimoca 20ND (0,3%, 2lít dung dịch/gốc), Oncol 20EC (0,3%, 2lít dung dịch/gốc).
+ Đối với cà phê kinh doanh: Bảo đảm qui trình kỹ thuật như cây trồng xen, cây che bóng, đai rừng chắn gió để tạo cho vườn cây có năng suất ổn định, Bón phân đầy đủ, cân đối, đồng thời tăng cường việc bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học cải tạo đất nhất là đối với các vườn cây đã cho năng suất cao trong nhiều năm, hạn chế xới xáo, làm bồn trong những vườn cây đã bị bệnh để tránh sự lây lan bệnh qua việc làm tổn thươg bộ rễ; không tưới lây từ vườn bệnh sang vườn không bệnh.
Hóa học không thể được xem là biện pháp chính trong việc phòng trừ tuyến trùng vì vừa đắt tiền mà hiệu quả lại không cao. Hơn nữa đa số các thuốc trị tuyến trùng đều là những thuốc rất độc cho con người. Do đó việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ tuyến trùng rất hạn chế. Khi cây mới bị bệnh có thể dùng thuốc Ethoprophos (Vimoca 20ND), Benfuracarb (Oncol 5G-20EC-25WP), Cytokinin (Geno 2005 2SL, Sincocin 0.56SL; Paecilomyces (Palila 500 WP).Tưới kỹ quanh gốc cây.
11. Bệnh vàng lá rụng trái cà phê:
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại:
+ Vàng lá rụng trái do bón phân không đầy đủ hoặc không kịp thời: Do bón phân không kịp thời, lượng phân bón ít so với nhu cầu của cây, dẫn đến tình trạng cây thiếu dinh dưỡng, cây cằn cỗi, lá vàng hàng loạt. Trường hợp này trái cà phê chỉ rụng ở những cây kém phát triển, trái nhỏ, rụng ở các chùm trái gần gốc trước, đầu cành sau, kèm theo rụng lá nhiều.
+ Vàng lá rụng trái do bón phân không cân đối: Do bón phân hoá học NPK thiếu cân đối như bón nhiều đạm, ít kali dẫn đến tình trạng cây phát triển mạnh cành vượt, lá non vẫn xanh, lá mỏng lá già vàng từ chóp lá trở xuống, rìa lá trở vào, lá già vàng trước từ cành dưới lên cành trên, vàng từ trong cành ra ngoài. Cây có thể rụng trái hàng loạt khi gặp mưa lớn, trái nhỏ, rụng nhiều, trái gần gốc rụng trước.
+ Do thiếu trung, vi lượng: Vườn cà phê được bón đầy đủ các nguyên tố NPK nhưng lại có hiện tượng lá bị vàng ở các vùng khác nhau trên phiến lá, lá có thể nhỏ hơn bình thường, chồi non chậm phát triển hoặc phát triển bất thường, trái nhỏ hoặc ít trái…do nguyên nhân thiếu trung, vi lượng.
Thiếu kẽm lá thường nhỏ hơn, gân lá xanh sẫm nổi lên rõ rệt trên nền phiến lá chuyển từ xanh nhạt đến vàng nhạt, đốt ngọn ngắn lại phát triển thành chùm, rìa lá cong lên.
Thiếu sắt thường xuất hiện trên các lá non. Lá có màu vàng nhưng gân lá còn xanh gần giống như bệnh thiếu kẽm.
Thiếu Bo thường xảy ra ở các chồi ngọn của thân chính và cành ngang chuyển vàng hoặc chết dẫn đến cành phát triển thành chùm như hình quạt. Lá nhỏ hơn bình thường và biến dạng cong mép, lá màu xanh ôliu hay xanh vàng ở nửa cuối của phiến lá, lá mỏng, cuống trái yếu.
Thiếu canxi, lá non thường bị vàng từ rìa lá vào giữa phiến lá, chỉ còn một vùng lá có màu xanh tối dọc theo hai bên gân chính, trái dễ bị rụng.
Thiếu Ma-giê lá bắt đầu vàng từ gân chính của lá rồi lan rộng gần ra phái rìa lá ở vùng giữa của các gân phụ của lá.
Thiếu Man-gan có biểu hiện màu vàng hơi nhạt ở cặp lá trưởng thành cuối cùng, sau đó chuyển sang màu vàng chanh sáng có những đốm trắng.
Thiếu lưu huỳnh phần lớn lá có màu vàng hơi nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng sáng.
+ Do cây già cỗi: Cây có dấu hiệu sinh trưởng phát triển chậm lại: ít cành dinh dưỡng và chồi vượt, trái nhỏ dần, rễ tơ kém phát triển, cây cằn cỗi mặc dù được bón phân đầy đủ, lá vàng hàng loạt.
Bệnh khô cành, khô quả, bệnh nấm hồng, bệnh vàng lá do tuyến trùng, do nấm, ấu trùng ve sầu, mọt đục cành, mọt đục quả, rệp sáp cũng là các nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá rụng trái cà phê hàng loạt.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Cắt tỉa các chồi vượt, cành trong tán, cành tăm, cành thừa để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, tỉa những cành khô, già cỗi, cành bị sâu bệnh tạo cho vườn cây thông thoáng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức chống chịu sâu bệnh, hạn chế sự lây lan của các loại bệnh gây rụng trái. Thường xuyên thu gom các cành, lá, hoa quả bị bệnh phơi khô đem đốt để ngăn ngừa sự phát tán nguồn bệnh.
+ Bón phân cân đối, hợp lý: Vườn cà phê đang ở giai đoạn nuôi trái mà có hiện tượng rụng trái là do bón phân không đầy đủ và thiếu cân đối (bón nhiều đạm và ít kali) thì phải bổ sung ngay lượng phân NPK bón gốc quy định ở giai đoạn nuôi trái (từ 700-1000kg NPK (16-16-8)/ha tùy theo mức độ phát triển của trái trên vườn), đồng thời kết hợp sử dụng các loại phân bón lá.
Để hạn chế rụng trái do thiếu dinh dưỡng, đảm bảo năng suất, chất lượng cà phê hàng năm. Nông dân nên thực hiện quy trình bón phân đối với cà phê kinh doanh (giai đoạn từ 4 năm tuổi trở lên)
Trong trường hợp cà phê có triệu chứng thiếu các yếu tố vi lượng, có thể cung cấp vi lượng cho cà phê bằng cách phun qua lá các hợp chất chứa các nguyên tố cần thiết như Zn, Bo…
+ Biện pháp hóa học: Đối với bệnh vàng lá rụng trái do sâu bệnh hại gây ra, sử dụng các loại thuốc đã được khuyến cáo cụ thể cho từng đối tượng đã được hướng dẫn ở phần trên.
12. Thối nứt thân (Fusarium spp.)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại:
Bệnh do nấm Fusarium spp. gây ra. Đây là loài nấm gây bệnh tắc mạch dẫn và gây chết rất nhanh, bệnh thường xảy ra ở những vườn cây không thông thoáng, ẩm thấp hay những năm mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Bệnh xuất hiện trên vườn kiến thiết cơ bản lẫn kinh doanh, thường xuất hiện trên đoạn thân đã hóa gỗ. Bệnh làm nứt và thối đen lớp vỏ ngoài của thân cây, nếu bị nặng thì lớp gỗ phía trong bị khô dẫn đến hiện tượng tắc mạch, cây thiếu nước nên héo và khô từ đầu ngọn xuống. Vết bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của thân cây nhưng thường ở đoạn giữa và gần gốc cây. Bệnh phát triển và lây lan nhanh.
– Biện pháp phòng trừ: Cần phát hiện bệnh sớm khi thân cây vừa bị nứt hoặc có vết thối đen nhỏ. Dùng dao cạo sạch phần vỏ thân bị bệnh, sau đó xử lý thuốc BVTV theo hướng dẫn. Nếu cây đã bị khô ngọn cần cưa ngang và đốt bỏ phần bệnh, quét thuốc lên trên mặt thân bị cưa và nuôi chồi mới.
V. CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN:
1. Chế biến: Có 2 phương pháp chế biến chính:
– Chế biến khô: Đem phơi nguyên cả quả sau thu hoạch. Nhược điểm: quả lâu khô, dễ bị mốc, chất lượng hương vị của cà phê tách bị giảm. Đối với cà phê chè cần hạn chế phương pháp này.
– Chế biến ướt: Là phương pháp chế biến chính đối với cà phê chè, phương pháp này tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao hơn hẳn so với chế biến khô. Cách làm: Quả chín thu hái ngày nào đem xát tươi ngay ngày đó bằng máy thủ công. Sau đó dùng nước đãi hết vỏ quả, gạn hết nước rồi để ủ lên men. Chú ý: Không dùng đồ chứa bằng kim loại. Muốn biết quá trình lên men đã xong chưa, dùng móng tay cào thử nếu thấy nhám và khe hạt hoàn toàn sạch nhớt là quá trình lên men đã xong, vớt ra, rửa sạch, đem phơi.
2. Phơi: Phơi là công đoạn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê.
– Cách phơi: Phơi cà phê quả mới thu hái (chế biến khô) hoặc quả cà phê thóc ướt (chế biến ướt) trên sân xi măng, sân gạch hoặc trên một tấm liếp, không phơi cà phê trên nền đất. Lớp cà phê phơi cần rải mỏng cho chóng khô, đảo thường xuyên ít nhất một gờ một lần. Khi cắn hạt, nếu không vỡ, coi như cà phê đã khô hoàn toàn và có thể đưa vào cất giữ.
3. Bảo quản: Cà phê phơi (hoặc sấy) khô đựng trong bao tải sạch, thùng gỗ, bồ hoặc trong kho thoáng khí, không để bị ẩm. Tuỳ theo yêu cầu của người mua cà phê, có thể tiêu thụ sản phẩm ở dạng quả khô, cà phê thóc, hoặc xay xát thành cà phê nhân để bán.
Quy Trình Kỹ Thuật Trồng Hoa Cẩm Chướng
I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC VÀ YÊU CẦU NGOẠI CẢNH
1. Đặc điểm thực vật học
– Rễ: Cẩm chướng có bộ rễ chùm, phát triển rất mạnh vào vụ chính để hút nước, dinh dưỡng. Chiều dài của rễ 15-20cm. Khi vun gốc, cây cẩm chướng sẽ ra rễ phụ ở các đốt thân. Rễ phụ cùng với rễ chính tạo thành bộ rễ khoẻ mạnh để giữ cây và hút thức ăn nuôi cây tươi tốt, ra hoa nhiều, đẹp và thơm.
– Thân: Thân thảo, nhỏ, mảnh mai, thân mang nhiều đốt và rất dễ gãy ở các đốt. Thân cẩm chướng thường có màu xanh nhạt, bao phủ 1 lớp phấn trắng xung quanh có tác dụng quan trọng chống thoát hơi nước và bảo vệ cây khỏi bị sâu bệnh hại. Trên mỗi đốt mang lá và mầm nách.
– Lá: Lá kép, mọc từ các đốt thân. Lá mọc đối, phiến lá dày, hình mũi mác, mép lá trơn. Mặt lá nhẵn, không có độ bóng. Trên mặt lá có phủ một lớp phấn trắng, mỏng và mịn. Lớp phấn trắng có tác dụng làm giảm bốc hơi nước.
– Có 2 dạng: Hoa đơn và hoa kép. Hoa mọc đơn, từng chiếc một. Hoa nằm ở đầu cành và mang nhiều màu sắc. Ngay cả trên một hoa cẩm chướng kép cũng có từ 2 màu khác nhau trở lên. Nụ hoa có đường kính 2-2,5cm. Hoa khi nở hoàn toàn có đường kính khoảng 5-8cm.
– Hạt cẩm chướng: hạt cẩm chướng nhỏ, nằm trong quả. Mỗi quả thường có từ 100- 600 hạt
2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh
– Đất trồng: Cẩm chướng ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt nhưng không ứ nước. pH thích hợp từ 6-7, độ ẩm 60-70%.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng sinh trưởng và phát triển tốt là 180C – 250C. Nếu nhiệt độ vượt qua ngưỡng thích hợp này, cây sẽ sinh trưởng và phát triển kém, cho hoa với chất lượng kém, màu sắc không tươi, tuổi thọ trung bình giảm…
– Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp 60-70 % , tối thích 70 %. Độ ẩm tương đối của không khí và đất ảnh hưởng trực tiếp đến sự quang hợp và hô hấp của cây cẩm chướng. Nếu độ ẩm được ổn định sẽ tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng và muối khoáng thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, năng suất và phẩm chất hoa cao.
– Dinh dưỡng: Nếu thiếu dinh dưỡng cây sẽ còi cọc, hoa nhỏ và sâu bệnh hại dễ xâm nhập và phát triển. Nếu bón phân không cân đối, thừa dinh dưỡng đạm, cây phát triển vóng cao, dễ bị lốp đổ và khả năng chống chịu kém.
+ Đạm: Có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, tham gia vào cấu tạo diệp lục. Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, cho hoa nhỏ, nhanh tàn, lá vàng úa. nếu thiếu trầm trọng cây sẽ ngừng sinh trưởng và chết. Tuy nhiên, thừa đạm cây sẽ mọc um tùm, lá nhiều và yếu ớt dễ phát sinh bệnh. Hoa cũng yếu dễ bị gục ngã và nhanh tàn.
+ Lân: Giúp cho bộ rễ cây phát triển khoẻ mạnh là tiền đề cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sau này. Lân giúp cho hoa bền, đẹp. Thiếu lân lá thường có màu tím, màu tím từ mép lá lan dần vào bên trong. Hoa nhỏ, chóng tàn, màu sắc nhợt nhạt. Trong quá trình sinh trưởng của cây, cây cần lân nhiều vào giai đoạn sinh trưởng sinh thực tức là khi ra hoa kết qủa. Vì vậy, cần phải hiểu nhu cầu của cây để cung cấp lân vào các giai đoạn hợp lý.
+ Kali: Giúp cho cây cứng cáp, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường và sâu bệnh hại. Cây cần kali nhiều vào lúc ra hoa, giúp cành hoa cứng cáp, màu sắc hoa tươi, bền lâu. Nếu thiếu kali thì đầu chóp lá già, bắt đầu vàng và chết khô, sau đó là phần thịt lá .
+ Canxi: Giúp cho cây chống chịu tốt với điều kiện bất lợi. Thiếu canxi trên lá non xuất hiện những đốm màu xanh nhạt, nghiêm trọng hơn là bị chết khô.
* Các nguyên tố vi lượng
Cây cần loại phân này với số lượng nhỏ nhưng không thể thiếu được và cũng không thể thay thế được. Thông thường cây ít thiếu vi lượng, tuy nhiên những lúc thời tiết lạnh đột ngột kéo dài thường sẽ xảy ra thiếu vi lượng. Khắc phục bằng cách phun bổ sung phân vi lượng qua lá, hoặc pha loãng tưới vào gốc cho đến khi thấy cây trở laị bình thường không nên bổ sung nữa.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. Chuẩn bị đất
– Đất trồng cẩm chướng phải tơi xốp, có độ thoáng cao, thoát nước, nhiều mùn. Không trồng 2 vụ cẩm chướng liên tục, phải luân canh 2-3 năm.
– Đất được cày sâu 40-50m, tơi nhỏ, khử tuyến trùng bằng ethoprophos 10% (20-30 kg Mocap hạt/ ha), khử vi khuẩn bằng calcium hypochlorite (30kg/ha).
– Lên luống cao, bề rộng luống 1,2m, bề mặt luống bằng phẳng, tưới ẩm trước khi trồng cây.
2. Cây giống và trồng cây
– Cây giống khi trồng cần có các tiêu chuẩn không thấp hơn các tiêu chuẩn quy định tại quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 10/02/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng vv quy định tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm của một số loại rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể: Độ tuổi cây trong vườn 25-35 ngày, chiều cao cây: 3,5-7cm; đường kính cổ rễ: 1,5-2mm; có 6-8 lá thật. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.
– Cây được trồng với mật độ 200.000 – 220.000 cây/ha;
3. Tưới nước
– Cây mới trồng trong 10 ngày đầu cần tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát để duy trì độ ẩm cho cây giúp cây bén rễ nhanh.
– Cây trồng sau 10 ngày, tưới nước tuỳ theo mùa trong năm, mùa nắng cần tưới 2-3 ngày/1lần, mùa mưa 4-5 ngày/1lần tùy theo nhu cầu của cây. Tưới nước vào buổi sáng để tránh ướt lá vào chiều tối, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh. Sau khi cây đã bén rễ, nên tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt là tốt nhất. Trong những ngày nắng nóng, kết hợp tưới phun lên lá để làm mát cây.
Nước tưới phải đảm bảo sạch, phải được cách ly với nguồn rác thải và phải được xử lý trước khi dùng;
4. Phân bón và cách pháp bón
Lượng phân cần bón: tính cho 1ha
- Phân chuồng: 100 – 120 m3
- Vôi: 1000-1500 kg;
- Phân vi sinh: 300 kg;
- Magiê sulphat: 80-100kg
- Phân hoá học theo hàm lượng nguyên chất: 300 N – 200 P2O5 – 250 K2O
Cách bón phân
Có thể sử dụng phân đơn hoặc phân phức hợp quy đổi tương đương theo hàm lượng nguyên chất như trên
* Nếu sử dụng phân đơn: cần 652 kg urê, 1375 kg super lân, 417 kg kali đỏ
– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sulphat, lân super 500 kg;
– Bón thúc: Bón theo định kỳ 20 ngày/lần: 36,2kg urê + 48,6 kg super lân + 23,2 kg kali đỏ.
* Nếu sử dụng phân NPK 20-20-15: Cần 1000 kg NPK, 217 kg urê, 83 kg kali đỏ.
– Bón lót: toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sulphat, NPK 300 kg;
– Bón thúc : Bón theo định kỳ 20 ngày/lần: 39 kg NPK+ 12 kg Ure + 4,6 kg kali đỏ.
– Cây hoa cẩm chướng cho thu hoạch kéo dài, cần bổ sung thêm vôi để cân bằng độ pH trong đất.
– Bổ sung thêm phân bón lá và vi lượng bằng cách phun Atonik, Miracle, Ba lá xanh, Tinh phân cá… theo định kỳ 15-20 ngày một lần (phun lúc chiều mát và tưới rửa lá vào sáng sớm hôm sau để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh, tránh phun lên hoa).
5. Giăng lưới:
Cành hoa cẩm chướng khá cao và mầm yếu nên cần có lưới đỡ để tránh cây đổ ngã khi chăm sóc và thu hoạch. Dùng lưới bằng dây cước, dây dù hoặc dây kẽm với kích thước lỗ 20cm x 20cm giăng để nâng đỡ cây.
Khi cây cao khoảng 20cm, tiến hành giăng lưới tầng đầu. Có thể dùng lưới bằng dây dù, cước, tuy nhiên đan lưới bằng kẽm cho hiệu quả cao nhất. Khi cây cao 30-40 cm, tiến hành giăng lưới ở tầng thứ 2 để giữ cho cành hoa không bị đổ ngã.
6. Bấm ngọn, tỉa chồi nách và nụ
– Bấm ngọn: Khi cây cao khoảng 20cm, các nhánh bên đã phát triển, cần bấm bỏ ngọn đầu để các nhánh bên phát triển đồng đều, thu hoạch hoa hàng loạt.
– Tỉa bỏ chồi nách: Trên cây cẩm chướng phát triển rất nhiều chồi nách. Nếu để nguyên sẽ tiêu hao dinh dưỡng và dễ sinh sâu bệnh hại, cần thường xuyên tỉa bỏ chồi nách để cành hoa to khỏe. Tỉa bỏ cẩn thận để tránh tổn thương đến cây. Sau khi tỉa nhánh, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh ngay.
– Tỉa nụ: đối với hoa đơn tỉa bỏ các nụ bên để nụ chính to khỏe. Đối với hoa kép, tỉa bỏ nụ chính để các hoa còn lại phát triển đồng đều. Tiến hành tỉa khi nụ chính to bằng hạt bắp. Tỉa nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến các nụ còn lại.
V. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI
1. Sâu, nhện hại và biện pháp phòng trừ
1.1. Sâu đất (Agrotis spp.)
Đặc điểm gây hại:
– Loại sâu này thường cắn ngang gốc cây, đặc biệt là cây mới trồng. Chúng thường hoạt động vào ban đên nên cần phun thuốc vào các buổi chiều tối sau khi đã tưới đất thật ẩm.
Biện pháp phòng trừ:
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Diazinon, Abamectin, Cypermethrin + profenofos, Esfenvalerate.
1.2. Nhóm sâu ăn lá (sâu xanh, sâu khoang)
Đặc điểm gây hại:
– Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên. Sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non, khi cây có nụ sâu ăn đến nụ và làm hỏng nụ, hoa.
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh với cây trồng khác để tiêu diệt các mầm mống gây hại như trứng sâu, sâu non, nhộng có trong đất, cỏ dại. Dùng các biện pháp thủ công như dẫn dụ sâu bằng bả chua ngọt, ngắt bỏ ổ trứng, diệt trừ sâu non, tiêu hủy các bộ phận bị sâu phá hoại như: lá, cành, nụ hoa.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ như: Abamectin, Emamectin, Cypermethrin
1.3. Nhện hại (Tetranychus urticae)
Đặc điểm gây hại:
Nhện chích hút lá làm lá trở nên quăn queo, biến dạng, cây sinh trưởng kém, nụ và cánh hoa bị chích hút làm hoa không nở, hoặc nở méo và bạc màu.
Biện pháp phòng trừ:
– Giữ nhà lưới luôn thoáng mát, tưới phun tăng độ ẩm cho nhà lưới trong những ngày nắng nóng.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ như: Diafenthiuron, Hexythiazox, Propargite, Abamectin, Fenpyroximate Emamectin benzoate…
1.4. Rầy mềm (Myzus persicea)
Đặc điểm gây hại:
– Thường sinh sống trên lá và ngọn non của cây và hoa, chúng chích hút nhựa cây làm ngọn cây không phát triển bình thường được, làm hoa biến dạng, đổi màu, không nở được.
Biện pháp phòng trừ:
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Emamectin benzoate, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran…
1.5. Bọ trĩ: (Frankliniella occidentalis)
Đặc điểm gây hại:
– Là một trong những đối tượng gây hại nặng trên một số cây hoa kiểng và cẩm chướng. Bọ trĩ xuất hiện nhiều khi cây bắt đầu ra hoa, làm hoa không nở, méo mó và bạc màu lỗ chỗ. Lây lan rất nhanh nhờ bay được và kích thước nhỏ nên rất khó trị.
Biện pháp phòng trừ
– Nhà lưới luôn thoáng mát, dọn sạch cỏ rác xung quanh khu vực nhà lưới, tưới mát cho nhà lưới trong những ngày nắng nóng.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Imdacloprid, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran, Emamectin benzoate
2. Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ
2.1. Bệnh thối thân (Fusarium graminearum)
Đặc điểm gây hại:
– Thân bị thối ngay trên bề mặt đất. Rễ và gốc bị thối, ngọn héo và chết. Có các đám bào tử nấm màu hồng hiện diện trên các mô bị phân huỷ.
Bào tử nấm có trong đất và trong xác thực vật, bào tử phát tán thông qua nước tưới; điều kiện môi trường nóng, độ ẩm cao, bón quá nhiều đạm sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh
Biện pháp phòng trừ:
– Đất trồng sạch bệnh, luân canh cây trồng (không trồng 2 vụ cẩm chướng liên tiếp trong 2-3 năm trên cùng 1 lô đất). Trồng cây khỏe, sạch bệnh, tiêu hủy cây bệnh ngay khi phát hiện để không lây lan sang cây khác.
– Không tưới quá nhiều nước, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.
– Phòng bằng cách phun thẳng vào gốc cây Fulhumaxin 5.15SC, 5.65SC, 6.15SC ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Thiophanate – methyl, Benomyl, Iprodione phun theo liều lượng khuyến cáo
2.2. Bệnh héo rũ Fusarium (Fusarium oxysporum)
Đặc điểm gây hại:
– Các nhánh héo rũ chuyển sang màu vàng và nghiêng về một phía ở giai đoạn đầu. Mạch dẫn bị mất màu và chuyển sang màu nâu đậm. Hệ thống rễ vẫn nguyên vẹn. Ở các giai đoạn sau, thân phát triển các vết thối khô.
– Cây và đất bị nhiễm nấm Fusarium oxysporum. Bào tử lan trong nước, phát triển mạnh ở nhiệt độ nóng ẩm cao hơn 25oC.
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh cây trồng, dùng giống khỏe, nhổ bỏ cây bệnh, sạch bệnh, xử lý đất kỹ trước khi trồng. Điều chỉnh pH đất = 6,5 – 7,0
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Benomyl, Mancozeb 8% + Methalaxyl, Iprodione,
2.3. Bệnh héo rũ do vi khuẩn Pseudomonas caryophylli.
Đặc điểm gây hại:
– Ngọn cây hoặc các nhánh cây riêng rẽ héo đột ngột, gốc cây bị nứt, rễ bị thối, mạch dẫn mất màu và chuyển sang màu vàng, lớp vỏ ngoài dễ dàng bị tách ra khỏi thân và mềm nhũng.
– Vi khuẩn lan truyền thông qua nước tưới, xác cây và rác thải mang mầm bệnh. Bệnh phát triển mạnh khi nhiệt độ cao và nóng ẩm .
Biện pháp phòng trừ:
– Sử dụng cây giống sạch bệnh, xử lý đất kỹ trước khi trồng. Vệ sinh ruộng sạch sẽ, sát trùng dụng cụ.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Copper Hydroxide, Kasugamycin, Bismerthiazol
2.4. Bệnh lỡ cổ rễ (Rhizoctonia solani)
Đặc điểm gây hại:
– Thân bị héo ngay bề mặt đất, vết thối phát triển từ bên ngoài vào. Toàn bộ cây héo và chết. Có thể nhìn thấy hạch nấm màu đen bằng kính lúp hoặc khi độ ẩm đất cao có lớp sợi nấm như bột trắng. Bào tử nấm Rhizoctonia solani có sẵn trong đất, xác thực vật . Bệnh phát triển mạnh khi độ ẩm và nhiệt độ cao.
Biện pháp phòng trừ:
– Xông hơi môi trường ra rễ và đất, không tưới quá nhiều.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Iprodione, Benomyl, Fosetyl Aluminium Carbendazim, Pencycuron
2.5. Bệnh rỉ sắt (Uromyces dianthi)
Đặc điểm gây hại:
– Các nốt nhỏ chứa nhiều bào tử màu nâu trên lá và thân cây. Bệnh nặng làm cho lá khô, cháy. Bào tử có sẵn trong không khí, phát triển mạnh trong điểu kiện thời tiết nóng ẩm. Chỉ lan truyền trên cây sống nhờ gió, nước mưa hoặc nước tưới.
Biện pháp phòng trừ:
– Sử dụng cây giống sạch bệnh, cắt bỏ lá bệnh.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Benomyl, Hexaconazole, Diniconazole, Carbendazim…
2.6. Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea)
Đặc điểm gây hại:
– Các bào tử màu xám có lông hình thành trên hoa trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Bào tử nấm có sẵn trong không khí, trong xác thực vật và phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm.
Biện pháp phòng trừ:
– Cắt bỏ các hoa già, nhà lưới thoáng mát, giảm độ ẩm.
– Có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất để phòng trừ: Carbendazim, Flusilazole Ningnanmycin, Propineb, Iprodione, Thiophanate-Methyl
VI. THU HOẠCH
– Thời điểm thu hoạch thích hợp nhất đối với hoa cẩm chướng là lúc hoa hé nở 10-15%, thu hoạch vào sáng sớm (không quá 10 giờ sáng) hoặc chiều mát (từ 3 giờ chiều). Trong những ngày trời mát có thể thu hoạch hoa cúc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
– Cắm hoa vào xô nước hoặc xô dung dịch xử lý ức chế sinh ethylene ngay sau cắt hoa khỏi cây và vận chuyển về nơi lưu giữ hoa (nhà mát).
Luận Án: Biện Pháp Kỹ Thuật Canh Tác Giống Ngô Lai Tỉnh Quảng Ngãi
, DOWNLOAD ZALO 0932091562 at BẢNG BÁO GIÁ DỊCH VỤ VIẾT BÀI TẠI: chúng tôi
Published on
Download luận án tiến sĩ ngành khoa học cây trồng với đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn giống ngô lai trung ngày năng suất cao và một số biện pháp kỹ thuật canh tác tại tỉnh Quảng Ngãi, cho các bạn tham khảo
1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM LÊ THỊ CÚC NGHIÊN CỨU TUYỂN CHỌN GIỐNG NGÔ LAI TRUNG NGÀY NĂNG SUẤT CAO VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CANH TÁC TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP HUẾ – 2017
2. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM LÊ THỊ CÚC NGHIÊN CỨU TUYỂN CHỌN GIỐNG NGÔ LAI TRUNG NGÀY NĂNG SUẤT CAO VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CANH TÁC TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP Chuyên ngành: Khoa học cây trồng Mã số: 62.62.01.10 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC chúng tôi TRẦN VĂN MINH 2. TS. PHẠM ĐỒNG QUẢNG HUẾ – 2017
3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực, khách quan và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Nếu có gì sai sót tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm./. Huế, ngày 06 tháng 02 năm 2018 Tác giả luận án Lê Thị Cúc
4. ii LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành bản luận án này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt của các thầy cô giáo, các cấp lãnh đạo, các tập thể, cá nhân, gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và kính trọng tới chúng tôi Trần Văn Minh và TS. Phạm Đồng Quảng, là những người thầy hướng dẫn khoa học đã tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu và hoàn thành luận án này; Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Đại học Huế, Ban Đào tạo – Đại học Huế, Lãnh đạo Trường Đại học Nông lâm Huế, Phòng Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Nông lâm Huế cùng các thầy, cô giáo Khoa Nông học đã nhiệt tình giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu; Tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn đến Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia; Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Miền Trung; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi; các địa phương: thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh; xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành; xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi thực hiện đề tài nghiên cứu và hoàn thành luận án; Tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các nhà khoa học và bạn bè, đồng nghiệp đã giúp đỡ, động viên và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho việc hoàn thành bản luận án; Cuối cùng, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới cha mẹ người đã sinh thành, nuôi dưỡng tôi nên người. Đặc biệt, tôi xin gửi tấm lòng chân tình tới người chồng yêu quý và các con luôn là chỗ dựa, là nguồn an ủi, động viên lớn cho tôi. Cùng các anh, chị, em trong gia đình đã tạo mọi điều kiện về tinh thần lẫn vật chất và động viên tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án. Xin trân trọng cảm ơn! Huế, ngày 06 tháng 02 năm 2018 Lê Thị Cúc
5. iii MỤC LỤC Trang LỜI CAM ĐOAN……………………………………………………………………………………………………………………….i LỜI CẢM ƠN…………………………………………………………………………………………………………………………….ii MỤC LỤC…………………………………………………………………………………………………………………………………iii DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT……………………………………………………………….vi DANH MỤC CÁC BẢNG……………………………………………………………………………………………………..viii DANH MỤC CÁC HÌNH………………………………………………………………………………………………………..xii MỞ ĐẦU……………………………………………………………………………………………………………………………………1 1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI………………………………………………………………………………………….1 2. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI……………………………………………………………………………………………………..2 2.1. Mục tiêu chung…………………………………………………………………………………………………………………….2 2.2. Mục tiêu cụ thể …………………………………………………………………………………………………………………….2 3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỂN……………………………………………………………………………3 3.1. Ý nghĩa khoa học………………………………………………………………………………………………………………….3 3.2. Ý nghĩa thực tiễn ………………………………………………………………………………………………………………….3 4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI……………………………………………………………………………..3 5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN………………………………………………………………………4 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU………………………………………………….5 1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI……………………………………………………………………………………….5 1.1.1. Ưu thế lai và ứng dụng trong chọn tạo giống ngô………………………………………………………………5 1.1.2. Nghiên cứu về phân nhóm thời gian sinh trưởng và tính thích ứng của câyngô……………….8 1.1.3. Các yếu tố sinh học và phi sinh học tác động đến sinh trưởng phát triển của câyngô……..12 1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI………………………………………………………………………………….16 1.2.1. Vai trò của ngô trong nền kinh tế……………………………………………………………………………………..16 1.2.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô trên thế giới và Việt Nam…………………………………………..17 1.2.3. Tình hình chuyển đổi cơ cấu câytrồng trên đất lúa ở Việt Nam……………………………………..23 1.3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI………………………………………….30
6. iv 1.3.1. Kết quả nghiên cứu về chọn tạo giống ngô lai trên thế giới và ở Việt Nam………………………30 1.3.2. Kết quả nghiên cứu mật độ trồng ngô trên thế giới và ở Việt Nam…………………………………..35 1.3.3. Kết quả nghiên cứu phân bón cho câyngô trên thế giới và ở Việt Nam…………………………..40 CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ……………….49 2.1. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN NGHIÊN CỨU………………………………………………………………49 2.1.1. Đối tượng nghiên cứu………………………………………………………………………………………………………49 2.1.2. Điều kiện nghiên cứu………………………………………………………………………………………………………49 2.2. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN NGHIÊN CỨU………………………………………………………………….51 2.2.1. Địa điểm nghiên cứu……………………………………………………………………………………………………….51 2.2.2. Thời gian nghiên cứu………………………………………………………………………………………………………51 2.3. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU…………………………………………………………………………………………….52 2.3.1. Tuyển chọn giống ngô lai mới có thời gian sinh trưởng trung ngày, năng suất cao, thích nghi với điều kiện sản xuất của tỉnh Quảng Ngãi………………………………………………………………………52 2.3.2. Nghiên cứu mật độ trồng và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai mới triển vọng được tuyển chọn trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi………………………………….52 2.3.3. Xây dựng mô hình thực nghiệm áp dụng mật độ trồng và liều lượng phân bón thích hợp cho giống ngô lai mới được tuyển chọn trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi…………..52 2.4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU…………………………………………………………………………………….52 2.4.1. Phương pháp nghiên cứu đồng ruộng……………………………………………………………………………..52 2.4.2. Các chỉ tiêu nghiên cứu và phương pháp đánh giá……………………………………………………………55 2.4.3. Phương pháp phân tích mẫu đất……………………………………………………………………………………….61 2.4.4. Phương pháp phân tích mẫu ngô hạt………………………………………………………………………………..61 2.4.5. Phương pháp xử lý số liệu……………………………………………………………………………………………….61 CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN…………………………………………………62 3.1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TUYỂN CHỌN GIỐNG NGÔ LAI MỚI CÓ THỜI GIAN SINH TRƯỞNG TRUNG NGÀY, NĂNG SUẤT CAO, THÍCH NGHI VỚI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI……………………………………………………………………………….62 3.1.1. Một số đặc điểmsinh trưởng phát triển, hình thái và sinh lý của các giống ngô……………….62 3.1.2. Tình hình sâu bệnh hại, khả năng chống đổ và chịu hạn của các giống ngô lai…………………66 3.1.3. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của các giống ngô lai………………………………….68
7. v 3.1.4. Kết quả đánh giá chỉ số môi trường của các điểm thí nghiệm (Ij), chỉ số thích nghi (bi) và chỉ số ổn định (S2 di) về năng suất của các giống ngô lai…………………………………………………………….74 3.1.5. Đánh giá chất lượng ngô hạt của các giống ngô lai triển vọng………………………………………….78 3.2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MẬT ĐỘ TRỒNG VÀ PHÂN BÓN THÍCH HỢP CHO GIỐNG NGÔ LAI AIQ1268……………………………………………………………………………………………………80 3.2.1. Kết quả nghiên cứu mật độ gieo trồng thích hợp cho giống ngô lai AIQ1268 trong vụ Hè Thu 2015 và Đông Xuân 2015 – 2016 tại tỉnh Quảng Ngãi…………………………………………………..80 3.2.2. Kết quả nghiên cứu liều lượng bón đạmvà kali thích hợp cho giống ngô lai AIQ1268….101 3.3. KẾT QUẢ XÂY DỰNG MÔ HÌNH THỰC NGHIỆM ÁP DỤNG MẬT ĐỘ TRỒNG VÀ LIỀU LƯỢNG PHÂN BÓN THÍCH HỢP CHO GIỐNG NGÔ AIQ1268…………………………..126 3.3.1. Một số đặc điểmsinh trưởng, phát triển và hình thái của giống AIQ1268………………………126 3.3.2. Tình hình sâu bệnh hại, khả năng chống đổ và chịu hạn của giống AIQ1268…………………127 3.3.3. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của giống ngô AIQ1268…………………………..128 3.3.4. Phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình………………………………………………………………………….129 CHƯƠNG 4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ……………………………………………………………………………..132 4.1. KẾT LUẬN……………………………………………………………………………………………………………………..132 4.2. ĐỀ NGHỊ…………………………………………………………………………………………………………………………132 TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………………………………………………………………133 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH……………………………………………………………………………………….146 KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN……………………………………….146
8. vi DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ và nghĩa tiếng Việt BNNPTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn BVTV Bảo vệ thực vật BĐ Bán đá BĐKH Biến đổi khí hậu BRN Bán răng ngựa CIMMYT International Maize and Wheat Improvement Centre (Trung tâm cải tạo ngô và lúa mỳ Quốc tế) CT Công thức CV Coefficient of variation (Hệ số biến động) DHNTB Duyên hải Nam Trung bộ ĐBSCL Đồng bằng sông cửu Long Đ/C Đối chứng ĐX Đông Xuân FAO Food Agriculture Oganization (Tổ chức Lương nông Thế giới). GCT Giống cây trồng HT Hè Thu IRRISTAT International Rice Research Institute statistical research tool (Phần mềm quản lý nghiên cứu thống kê). KKNGSPCT Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng Kg Kilogam P1000 Khối lượng 1000 hạt LAI Leaf Area Index (Chỉ số diện tích lá) LSD Leat significant difference (sai khác nhỏ nhất có ý nghĩa) N/P/K Đạm/Lân/Kali NSLT Năng suất lý thuyết NSTT Năng suất thực thu PTNT Phát triển nông thôn QCVN Quy chuẩn Việt Nam VC Vàng cam
9. vii Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ và nghĩa tiếng Việt RCBD Randomized Complete Block Design (Khối hoàn toàn ngẫu nhiên) TB Trung bình TCT Tổng công ty TNHH Trách nhiệm hữu hạn TGST Thời gian sinh trưởng UBND Ủy ban nhân dân USDA United State Department of Agriculture (Bộ Nông nghiệp Mỹ)
10. viii DANH MỤC CÁC BẢNG Trang Bảng 1.1. Chỉ số đánh giá thời gian sinh trưởng theo thang điểm FAO………………………………………8 Bảng 1.2. Tổng lượng nhiệt của các nhómgiống ngô ở các vĩ độ khác nhau (0 C)……………………….9 Bảng 1.3. Phân nhómgiống dựa theo các bộ phận của câyngô………………………………………………….9 Bảng 1.4. Phân nhóm giống ngô theo thời gian sinh trưởng…………………………………………………….11 Bảng 1.5. Tình hình sản xuất ngô của một số vùng trên thế giới năm2014……………………………….17 Bảng 1.6. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô ở Việt Namtừ năm2000- 2016………………………..19 Bảng 1.7. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô ở Quảng Ngãi từ năm 2000- 2016…………………….21 Bảng 1.8. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014- 2020 trên toàn quốc…………………………………………………………………………………………………………………………………..25 Bảng 1.9. Kết quả chuyển đổi câytrồng trên đất lúa tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2016…………………………………………………………………………………………………………………….27 Bảng 1.10. Kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và TâyNguyên Vụ Đông Xuân 2016- 2017………………………………………………………………………………….27 Bảng 2.1. Nguồn vật liệu các giống ngô lai mới sử dụng trong nghiên cứu……………………………….49 Bảng2.2.DiễnbiếncủacácyếutốkhíhậuthờitiếttạitỉnhQuảngNgãiquacácnăm2014-2017……..50 Bảng 2.3. Một số chỉ tiêu nông hóa của đất thực hiện thí nghiệm……………………………………………..51 Bảng 3.1. Thời gian hoàn thành các giai đoạn sinh trưởng phát triển…………………………………………62 Bảng 3.2. Chiều cao cây, chiều cao đóng bắp và đường kính lóng gốc của các giống ngô lai……63 Bảng 3.3. Số lá/cây, diện tích lá đóng bắp, chỉ số diện tích lá và sinh khối khô của các giống ngô lai………………………………………………………………………………………………………………………………………………64 Bảng 3.4. Trạng thái cây, độ kín bao bắp, dạng hạt và màu sắc hạt của các giống ngô lai………….66 Bảng 3.5. Tình hình sâu, bệnh hại chính của các giống ngô lai………………………………………………….67 Bảng 3.6. Khả năng chống đổ và chịu hạn của các giống ngô lai………………………………………………67 Bảng 3.7. Chiều dài bắp, đường kính bắp của các giống ngô lai………………………………………………..68 Bảng 3.8. Số bắp/cây, số hàng hạt/bắp, số hạt/hàng, khối lượng 1000 hạt và năng suất lý thuyết của các giống ngô lai…………………………………………………………………………………………………………………69 Bảng 3.9. Năng suất thực thu của các giống ngô lai ở các điểm thí nghiệm trong vụ HT 2014….70 Bảng 3.10. Năng suất thực thu của các giống ngô lai ở các điểm thí nghiệm trong vụ ĐX 2014- 2015………………………………………………………………………………………………………………………………………….71
11. ix Bảng 3.11. Năng suất thực thu của các giống ngô lai ở các điểm thí nghiệm trong vụ HT 2015 73 Bảng 3.12. Chỉ số môi trường của các điểmthí nghiệm (Ij)………………………………………………………75 Bảng 3.13. Chỉ số thích nghi và chỉ số ổn định về năng suất của các giống thí nghiệm trong vụ Hè Thu 2014…………………………………………………………………………………………………………………………………..76 Bảng 3.14. Chỉ số thích nghi và chỉ số ổn định về năng suất của các giống ngô thí nghiệm trong vụ Đông Xuân 2014-2015…………………………………………………………………………………………………………77 Bảng 3.15. Chỉ số thích nghi và chỉ số ổn định về năng suất của các giống ngô thí nghiệm trong vụ Hè Thu 2015………………………………………………………………………………………………………………………..78 Bảng 3.16. Hàmlượng tinh bột và prôtein trong hạt của các giống ngô lai triển vọng……………….78 Bảng 3.17. Ảnh hưởng của mật độ gieo trồng đến thời gian sinh trưởng của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh …………………………………………………….81 Bảng 3.18. Ảnh hưởng của mật độ gieo trồng đến thời gian sinh trưởng của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Hà………………………………………………………………82 Bảng 3.19. Ảnh hưởng của mật độ trồng đến chiều cao cây, cao đóng bắp và đường kính lóng gốc của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh ………………83 Bảng 3.20. Ảnh hưởng của mật độ trồng đến chiều cao cây, cao đóng bắp và đường kính lóng gốc của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015-2016 tại Sơn Hà……………………84 Bảng 3.21. Ảnh hưởng của mật độ trồng đến số lá/cây, diện tích lá đóng bắp của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh………………………………………………………….85 Bảng 3.22. Ảnh hưởng của mật độ gieo trồng đến số lá/cây, diện tích lá đóng bắp của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Hà……………………………………………………..85 Bảng 3.23. Ảnh hưởng của mật độ trồng đến chỉ số diện tích lá qua các thời kỳ của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh…………………………………………………..86 Bảng 3.24. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến chỉ số diện tích lá qua các thời kỳ của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Hà………………………………….87 Bảng 3.25. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến khả năng tích lũy chất khô qua các thời kỳ của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh…………………………………..88 Bảng 3.26. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến khả năng tích lũy chất khô qua các thời kỳ của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Hà……………………………………..89 Bảng 3.27. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến tình hình sâu, bệnh hại của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015, ĐX 2015-2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà…………………………………….90 Bảng 3.28. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến khả năng chống chịu của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015, ĐX 2015-2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà………………………………………………………91
12. x Bảng 3.29. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến chiều dài, đường kính bắp của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015, ĐX 2015-2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà……………………………………..92 Bảng 3.30. Ảnh hưởng của mật độ trồng đến các yếu tố cấu thành năng suất của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015, ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà……………………………………93 Bảng 3.31. Ảnh hưởng của các mật độ trồng đến năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 vụ HT 2015, ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà ……………….95 Bảng 3.32. Tương quan giữa mật độ gieo trồng với năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà……………………………97 Bảng 3.33. Hiệu quả kinh tế các mật độ trồng của giống ngô AIQ1268 trong vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà………………………………………………………………………………………..100 Bảng 3.34. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến thời gian sinh trưởng của giống ngô AIQ1268 vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Tịnh……………………………………………102 Bảng 3.35. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến thời gian sinh trưởng của giống ngô AIQ1268 vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Hà……………………………………………….103 Bảng 3.36. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến chiều cao cây, cao đóng bắp và đường kính lóng gốc của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Tịnh…………………………………………………………………………………………………………………………………104 Bảng 3.37. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến chiều cao cây, cao đóng bắp và đường kính lóng gốc của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Hà……………………………………………………………………………………………………………………………………105 Bảng 3.38. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến số lá/cây, diện tích lá đóng bắp của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Tịnh………………………..106 Bảng 3.39. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến số lá/cây, diện tích lá đóng bắp của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Hà…………………………………………….107 Bảng 3.40. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến chỉ số diện tích lá qua các thời kỳ của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Tịnh……………………………108 Bảng 3.41. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến chỉ số diện tích lá qua các thời kỳ của giống ngô AIQ1268 vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Hà………………………………………..109 Bảng 3.42. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến khả năng tích lũy chất khô của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Tịnh………………………………………….110 Bảng 3.43. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến khả năng tích lũy chất khô của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Hà………………………………………………..111 Bảng 3.44. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến tình hình sâu, bệnh hại của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Tịnh……………………………………………………113
13. xi Bảng 3.45. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến tình hình sâu, bệnh hại của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Hà……………………………………………………….114 Bảng 3.46. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến khả năng chống chịu của giống ngô AIQ1268 vụ ĐX 2015-2016, HT 2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà………………………………………….115 Bảng 3.47. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến chiều dài, đường kính bắp của giống ngô AIQ1268 vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà…………………………………116 Bảng 3.48. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến các yếu tố cấu thành năng suất của giống ngô AIQ1268 vụ trong ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Tịnh………………………………………..117 Bảng 3.49. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến các yếu tố cấu thành năng suất của giống ngô AIQ1268 vụ trong ĐX 2015 – 2016 và HT 2016 tại Sơn Hà…………………………………………..118 Bảng 3.50. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015-2016 và HT 2016 tại Sơn Tịnh……119 Bảng 3.51. Ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015-2016, HT 2016 tại Sơn Hà………..121 Bảng 3.52. Tương quan giữa liều lượng đạm và kali với năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016 và HT2016 tại Sơn Tịnh và Sơn Hà ……………..123 Bảng 3.53. Hiệu quả kinh tế của các liều lượng bón đạm và kali cho giống ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015-2016, HT 2016 tại Sơn Tịnh……………………………………………………………………………….124 Bảng 3.54. Hiệu quả kinh tế của các liều lượng bón đạmvà kali cho giống…………………………….125 ngô AIQ1268 trong vụ ĐX 2015 – 2016, HT 2016 tại Sơn Hà………………………………………………..125 Bảng 3.55. Một số đặc điểm sinh trưởng, phát triển và hình thái của giống ngô AIQ1268 ở mô hình trong vụ Hè Thu 2016 và Đông Xuân 2016-2017……………………………………………………………126 Bảng 3.56. Tình hình sâu bệnh hại,khả năng chống đổ và chịu hạn của giống ngô AIQ1268 ở mô hình vụ HT 2016 và ĐX 2016-2017………………………………………………………………………………………..127 Bảng 3.57. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của giống ngô………………………………….128 Bảng 3.58. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của giống ngô AIQ1268 ở các mô hình trong vụ ĐX 2016 -2017………………………………………………………………………………………………………….129 Bảng 3.59. Phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình thử nghiệm trong vụ HT 2016 và ĐX 2016- 2017………………………………………………………………………………………………………………………………………..130
14. xii DANH MỤC CÁC HÌNH Trang Hình 3.1. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của các giống ngô vụ HT 2014…………………………..71 Hình 3.2. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của các giống ngô vụ ĐX 2014-2015…………………72 Hình 3.3. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của các giống ngô vụ HT 2015…………………………..73 Hình 3.4. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 ở các mật độ trồng trong vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Tịnh……………………………………………………………………………96 Hình 3.5. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 ở các mật độ trồng trong vụ HT 2015 và ĐX 2015 – 2016 tại Sơn Hà………………………………………………………………………………96 Hình 3.6. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 ở các liều lượng bón đạm và kali trong vụ ĐX 2015-2016 tại Sơn Tịnh…………………………………………………………………………..120 Hình 3.7. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 ở các liều lượng bón đạm và kali trong vụ HT 2016 tại Sơn Tịnh…………………………………………………………………………………….120 Hình 3.8. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 ở các liều lượng bón đạm và kali trong vụ ĐX 2015-2016 tại Sơn Hà…………………………………………………………………………….122 Hình 3.9. Biểu đồ so sánh năng suất thực thu của giống ngô AIQ1268 ở các liều lượng bón đạm và kali trong vụ HT 2016 tại Sơn Hà………………………………………………………………………………………122
15. 1 MỞ ĐẦU 1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Cây ngô (Zea mays L.) là cây lương thực quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, góp phần nuôi sống gần 1/3 dân số trên thế giới. Là một trong ba cây ngũ cốc chính, khả năng cho năng suất cao, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế lớn trong sản xuất nông nghiệp (Trần Văn Minh, 2003) [51]. Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây màu quan trọng nhất được trồng ở tất cả các vùng sinh thái (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011a) [4]. Diện tích, năng suất và sản lượng ngô của Việt Nam đã có bước tăng trưởng rất cao kể từ năm 1990 đến nay. Năm 2010, diện tích ngô cả nước 1.125,7 nghìn ha, năng suất 41,1 tạ/ha, sản lượng đạt 4,63 triệu tấn (Tổng Cục Thống kê, 2012) [79], so với mốc năm 1990 mức tăng về năng suất đạt 2,6 lần và tăng sản lượng tới 7 lần (Trần Kim Định và cs, 2013) [26]. Đến năm 2016, diện tích ước đạt 1,1 triệu ha, năng suất 46,0 tạ/ha và sản lượng đạt khoảng 5,1 triệu tấn (Cục Trồng trọt, 2016) [20]. Mặc dù năng suất và sản lượng ngô có xu hướng ngày một tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngô của cả nước. Khối lượng ngô nhập khẩu năm 2015 của Việt Nam là 7,55 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 58,5% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014 (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2015) [7]. Theo nhiều nhận định thì năng suất ngô cũng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích ngô toàn quốc đạt 1,4 triệu ha, năng suất đạt từ 55,0- 60,0 tạ/ha, sản lượng 8,4 triệu tấn đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước (Đỗ Văn Ngọc, 2016) [53]. Tăng sản lượng, giảm nhập khẩu ngô hạt là rất cần thiết nhưng không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay khi diện tích trồng trọt không thể mở rộng. Do đó, tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống mới, đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng về thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng có thể trồng ngô là những giải pháp quan trọng cần tiến hành (Trần Kim Định và cs, 2013) [26]. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến năm 2020, toàn quốc sẽ chuyển đổi 770 ngàn ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó chuyển sang trồng ngô 236 ngàn ha. Vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) sẽ chuyển đổi 105 ngàn ha và chuyển sang trồng ngô là 36 ngàn ha (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2014) [6]. Quảng Ngãi là tỉnh thuộc khu vực Duyên Hải Nam Trung bộ, trong sản xuất nông nghiệp ngô là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Từ năm 2000 đến nay, năng suất và diện tích ngô không ngừng tăng lên. Năm 2000 diện tích ngô của tỉnh 7.673 ha, năng suất bình quân 32,5 tạ/ha, sản lượng đạt 24.902 tấn (Cục Thống kê Quảng Ngãi, 2001) [12]. Đến năm 2016, diện tích trồng ngô của tỉnh là 10.358 ha, năng suất bình quân 56,8
16. 2 tạ/ha và sản lượng đạt 58.815 tấn (Cục Thống kê Quảng Ngãi, 2017) [15]. Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, cây ngô lai cần mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và sản lượng, đặc biệt trên đất trồng lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, trong đó chú trọng cây ngô lai. Kế hoạch của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 9.552 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác, trong đó chuyển sang trồng ngô là 2.150 ha nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn ngành và thích ứng với biến đổi khí hậu (Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, 2015a) [64]. Những năm gần đây, một số giống ngô lai có năng suất cao như LVN10, LVN14, LVN146, CP333, CP501, CP3Q, CP888, Bioseed 9898, B265, B21,…và biện pháp kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất đã nâng cao năng suất và sản lượng ngô của tỉnh, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vì một số giống có thời gian sinh trưởng dài hoặc khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận còn hạn chế và chưa có quy trình kỹ thuật canh tác cây ngô trên đất lúa chuyển đổi (Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, 2015b) [65]. Việc nghiên cứu tuyển chọn giống ngô lai mới và biện pháp kỹ thuật phù hợp, đặc biệt nhóm giống ngô có thời gian sinh trưởng trung ngày (chín trung bình) để khai thác tiềm năng năng suất của giống và thuận lợi bố trí mùa vụ, né tránh thiên tai hạn hán, lũ lụt, phục vụ cho sản xuất ngô của tỉnh còn chưa được quan tâm. Vì vậy, việc nghiên cứu tuyển chọn giống ngô lai trung ngày năng suất cao, chống chịu tốt, thích ứng rộng và nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác trên đất lúa chuyển đổi là yêu cầu cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ngãi. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn giống ngô lai trung ngày năng suất cao và một số biện pháp kỹ thuật canh tác tại tỉnh Quảng Ngãi”. 2. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI 2.1. Mục tiêu chung Tuyển chọn giống ngô lai mới có thời gian sinh trưởng trung ngày, sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, năng suất cao; xác định một số biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp cho giống ngô lai mới được tuyển chọn trên đất lúa chuyển đổi nhằm phục vụ sản xuất ngô tại tỉnh Quảng Ngãi. 2.2. Mục tiêu cụ thể – Tuyển chọn được 1- 2 giống ngô lai trung ngày, vụ Đông Xuân (ĐX) 100- 110 ngày, vụ Hè Thu (HT) 90- 100 ngày, sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận; năng suất cao, vụ ĐX 85- 90 tạ/ha, vụ HT 80- 85 tạ/ha.
17. 3 – Xác định được mật độ trồng và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai trung ngày trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi. – Xây dựng được mô hình thực nghiệm áp dụng mật độ trồng và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai mới triển vọng trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi. 3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỂN 3.1. Ý nghĩa khoa học – Các kết quả thu được của đề tài cung cấp những dẫn liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu tuyển chọn giống ngô lai trung ngày cho tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có điều kiện sinh thái tương tự. – Là cơ sở khoa học cho việc xác định mật độ trồng hợp lý và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai trung ngày, góp phần bổ sung thêm cơ sở dữ liệu khoa học về kỹ thuật thâm canh tăng năng suất ngô ở tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời là tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tuyển chọn giống ngô lai trung ngày tại vùng nghiên cứu. – Là cơ sở khoa học cho việc chuyển đổi đất trồng lúa không chủ động nước tưới, hiệu quả thấp chuyển sang trồng cây ngô lai góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Ngãi. 3.2. Ý nghĩa thực tiễn – Đề tài đã tuyển chọn được giống ngô lai AIQ1268 triển vọng, được công nhận sản xuất thử, khuyến cáo và bổ sung vào cơ cấu giống ngô của tỉnh Quảng Ngãi, nhằm tăng năng suất và sản lượng ngô. – Đề tài đã xác định được mật độ trồng và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai trung ngày AIQ1268 trên đất lúa chuyển đổi, khuyến cáo và chuyển giao cho sản xuất để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế của trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi. – Góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tái cơ cấu, ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. 4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI 4.1. Phạm vi về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu về tuyển chọn giống ngô lai trung ngày triển vọng; mật độ trồng và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai mới được tuyển chọn, làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình thực nghiệm áp dụng mật độ trồng và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho giống ngô lai mới triển vọng trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi.
18. 4 4.2. Phạm vi về không gian: Các thí nghiệm trên đồng ruộng và mô hình được thực hiện tại 3 huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. 4.3. Phạm vi về thời gian: Đề tài tiến hành trong 6 vụ, HT 2014, ĐX 2014-2015, HT 2015, ĐX 2015-2016, HT 2016 và ĐX 2016-2017. 5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN – Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được giống ngô lai mới AIQ1268 có thời gian sinh trưởng trung ngày, ít nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu tốt, thích nghi rộng, năng suất cao và ổn định. Giống AIQ1268 được đánh giá có triển vọng cho sản xuất tại tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất thử tại Quyết định số 460/QĐ-TT-CLT ngày 22/10/2015 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT. – Kết quả nghiên cứu đã đề xuất được một số biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp cho giống ngô lai trung ngày AIQ1268 trên đất lúa chuyển đổi tại tỉnh Quảng Ngãi gồm: Mật độ trồng thích hợp cho 01 ha là: 66.600 cây với khoảng cách trồng 60 x 25cm và liều lượng phân đạm, kali thích hợp cho 01 ha là: 180 kg N và 100 kg K2O trên nền 10 tấn phân chuồng + 90 kg P2O5 + 300 kg vôi bột.
19. 5 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI 1.1.1. Ưu thế lai và ứng dụng trong chọn tạo giống ngô Ưu thế lai (heterosis) là hiện tượng vượt trội của con lai so với các dạng bố mẹ về sức sống, khả năng thích ứng, năng suất và chất lượng. Khi nói về thành công của việc ứng dụng hiện tượng ưu thế lai trong sản xuất nông nghiệp, đầu tiên phải nói tới ngô lai. Ngô lai – một thành tựu khoa học nông nghiệp nổi bật của thế kỷ XX – đã mang lại thành quả to lớn cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam (Ngô Hữu Tình, 2009) [74]. Charles Darwin là người đầu tiên đưa ra lý thuyết về hiện tượng ưu thế lai vào năm 1876. Tiếp theo là William James Beal năm 1877 đã thực hiện lai có kiểm soát giữa các giống ngô, ông đã thấy sự khác biệt về năng suất giống lai với các giống bố mẹ và thường năng suất của con lai vượt so với bố mẹ chúng trung bình 15%. Chính kết quả này đã chứng minh sự tồn tại và tầm quan trọng của hiện tượng ưu thế lai (Wallace and Brown, 1988) [153]. Nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực chọn tạo giống ngô lai quy ước là George Herrison Shull. Năm 1904, Shull tiến hành tự phối cưỡng bức ở ngô để thu được các dòng thuần. Sau đó ông lai giữa các dòng thuần để tạo ra các giống lai đơn. Trong khi nghiên cứu di truyền số lượng về tính trạng số hàng hạt, ông thấy rằng ở thế hệ con lai vượt trội hơn thế hệ tự phối. Vào các năm 1908, 1909 ông đã công bố những công trình nghiên cứu về ngô lai, đánh dấu một mốc bắt đầu thực sự của chương trình tạo giống ngô lai. Thuật ngữ “Heterosis” chỉ ưu thế lai được Shull sử dụng lần đầu tiên vào năm 1913 (Wallace and Brown, 1988) [153]. Tuy nhiên, phải đến năm 1917 khi Jones đưa ra giải pháp sản xuất hạt lai kép để khắc phục nhược điểm của các dòng tự phối thường rất yếu trong sản xuất hạt giống để hạ giá thành hạt giống và giống ngô lai kép đầu tiên thử nghiệm năm 1920 đã nhanh chóng được chấp nhận. Trong việc nâng cao năng suất cây ngô, giống có vai trò rất qua trọng. Ngày nay trong công tác tạo giống ngô lai người ta chủ yếu dựa vào hiện tượng di truyền ưu thế lai do Charles Darwin phát hiện năm 1876. Năm 1909 Shull đã đề nghị đưa việc sử dụng lai đơn giữa các dòng ngô thuần vào sản xuất. Hiện nay, ở các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, hầu như toàn bộ diện tích trồng ngô đã sử dụng giống lai và các giống lai đơn dần dần thay thế các giống lai ba và lai kép vì nó cho ưu thế lai cao nhất (Ngô Hữu Tình và cs, 2012) [75].
20. 6 Ngô lai ngày càng được phát triển mạnh mẽ và ưu thế lai được thể hiện ở hầu hết các tính trạng nhưng ưu thế lai về năng suất có vai trò quan trọng nhất, thể hiện qua sự tăng của các yếu tố cấu thành năng suất như chiều dài bắp, số hàng hạt, số hạt/hàng, tỷ lệ hạt/bắp,…Ưu thế lai về năng suất ở ngô với các giống lai đơn có thể đạt từ 193% đến 263% so với trung bình của bố mẹ (Trần Hồng Uy, 1972) [88]. Ưu thế lai còn được biểu hiện ở con lai về hình thái cây và tính chín sớm hơn so với bố mẹ (Hallauer, 1991) [121], khả năng thích ứng các môi trường bất thuận như hạn (Blum A.,1988) [103], thích nghi với môi trường úng ngập (Loaiza and Ramirex, 1993) [130], môi trường lạnh (Moreno – Gonzalez J.,1988) [132] và chống chịu với các loại sâu bệnh (Odiemal M., 1990) [136]. Ưu thế lai là hiện tượng tăng sức sống qua lai và được ước tính theo công thức: H = dy2 (Falconer, 1960) [120]. Trong đó: d là những ảnh hưởng do tính trội, y2 là bình phương của tần suất gen khác nhau giữa các bố mẹ tạo thành con lai. Ưu thế lai (H) phụ thuộc vào sự biểu hiện tác động trội trong tần suất gen khác nhau. Sẽ không có ưu thế lai nếu d hoặc y2 = 0. Ưu thế lai là đặc trưng riêng biệt cho mỗi con lai, các con lai khác nhau sẽ có giá trị dy2 khác nhau. Cơ sở di truyền của ưu thế lai trong cây ngô đã được nhiều nhà khoa học giải thích thông qua các giả thuyết. Thuyết tính trội: Thuyết tính trội do Bruce đề xướng năm 1910, Jones 1917 và Collins bổ sung năm 1921 (CIMMYT, 1990) [109]. Thuyết tính trội giải thích sự tích lũy và hoạt động của các gen trội có lợi lấn át ảnh hưởng các gen lặn gây hại trên cùng locus, hoặc tương tác bổ trợ để hình thành tính trạng biểu hiện ưu thế lai. Thuyết tính trội còn giải thích hiện tượng tương tác gen khác locus và tương tác giữa nhân và tế bào chất (Trần Tú Ngà, 1990) [52]. Vì vậy con lai F1 thường cho năng suất vượt trội so với bố mẹ nhưng không duy trì sang thế hệ sau. Thuyết siêu trội: Thuyết siêu trội do East đưa ra năm 1912; Hull, (1945) [123] giải thích hiện tượng ưu thế lai là do sự tích lũy các gen ở trạng thái dị hợp và cũng giải thích sự giảm sức sống, năng suất ở thế hệ sau F1 là do sự tăng dần của trạng thái đồng hợp tử. Nhưng thuyết siêu trội không giải thích được năng suất thấp và độ đồng đều kém của các lai ba, lai kép so với các giống lai đơn, mặc dù trong nó luôn biểu hiện các kiểu gen dị hợp. Ưu thế lai còn được định nghĩa là hiện tượng kế thừa của con lai F1 ở hai bố, mẹ khác nhau về mặt di truyền đã thể hiện sức sống tăng lên ít nhất lớn hơn giá trị trung bình của các bố mẹ (Venkateswarlu and Visperas, 1987) [152]. Vậy ưu thế lai là hiện tượng tăng hoặc giảm của con lai F1 so với giá trị trung bình bố mẹ và con lai không những mang giá trị dương mà còn mang cả giá trị âm ở tính trạng nào đó, ví dụ như tính chín sớm.
21. 7 Ưu thế lai về tính chín sớm: là sự biểu hiện của tổ hợp lai chín sớm hơn so với trung bình bố mẹ và có thể cho năng suất cao hơn. Nguyên nhân là do có sự tăng cường hoạt động của các quá trình sinh lý, sinh hóa, trao đổi chất trong cơ thể con lai mạnh hơn bố mẹ. Ưu thế lai về tính chín sớm và năng suất là hai dạng ưu thế lai đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nên được rất nhiều nhà nghiên cứu tạo giống quan tâm. Ưu thế lai chín sớm và năng suất là sự biểu hiện của con lai chín sớm hơn so với bố mẹ và có thể cho năng suất cao hơn. Điều này càng quan trọng hơn cho sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, cần có những giống chín sớm, năng suất cao để rút ngắn được thời gian trên đồng ruộng, giảm thiểu rũi ro, tiết kiệm nước tưới. Các kết quả nghiên cứu về ưu thế lai tính chín sớm đã được Trần Hồng Uy (1972) [88] thực hiện tại Trường Đại học Nông nghiệp Bucaret – Rumani. Trong kết quả nghiên cứu của mình tại Rumani, tác giả thấy thời gian sinh trưởng từ gieo đến chín của các tổ hợp lai đã biểu hiện ưu thế lai chín sớm hơn so với bố mẹ chúng từ 4- 10 ngày và cho năng suất cao hơn. Qua nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và Bungari tác giả cũng thấy rằng, ở các môi trường sinh thái khác nhau các tổ hợp lai đã thể hiện ưu thế lai về tính chín sớm và năng suất là không giống nhau. Tại Bungari, môi trường sinh thái ôn đới, các tổ hợp lai trong thí nghiệm đã thể hiện ưu thế lai chín sớm so với trung bình bố mẹ từ 4- 6 ngày và cho năng suất cao hơn hẳn bố mẹ chúng. Còn tại Việt Nam, môi trường nhiệt đới, hầu hết các tổ hợp lai trong thí nghiệm đã biểu hiện ưu thế lai cao về năng suất, nhưng ưu thế lai tính chín sớm so với bố mẹ chỉ 2- 4 ngày (Trần Hồng Uy và Nikola Tomov (1986) [89]. Từ kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Tài (1998) [67] cho thấy, có 5/21 tổ hợp lai luân giao giữa các dòng đời S3 đã thể hiện ưu thế lai chín sớm so với bố mẹ chúng từ 3- 4 ngày. Trong đó tổ hợp lai 1 x 5; 5 x 7 đã thể hiện ưu thế lai chín sớm hơn trung bình bố mẹ 4 ngày và ưu thế lai về năng suất vượt so với bố mẹ là 38,5% đến 48%. Kết quả nghiên cứu ưu thế lai tính chín sớm từ các dòng có nguồn gốc địa lý khác nhau của Mai Xuân Triệu (1998) [81] cho thấy, ưu thế lai về tính trạng chín sớm thể hiện ở các tổ hợp lai đơn là mạnh nhất, sớm hơn so với bố mẹ từ 2- 4 ngày và có ưu thế lai về năng suất hạt cao. Kết quả nghiên cứu ưu thế lai về tính chín sớm từ các dòng ngô thuần được tạo ra từ nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước của Lương Văn Vàng và cs (2012) [92], cho thấy, các tổ hợp lai có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn so với bố mẹ chúng từ 1- 6, 8 ngày và ưu thế lai về năng suất của tất cả các tổ hợp lai đều cao hơn trung bình bố mẹ từ 128,7- 296,5%.
24. 10 1- Vùng Đông Bắc: độ cao 300- 900 m so với mặt nước biển. Vụ chính là vụ Xuân, gieo vào tháng 02, tháng 3. 2- Vùng Tây Bắc: độ cao 600- 1.000 m so với mặt nước biển. Vụ chính là vụ Hè Thu, gieo trong tháng 4, đầu tháng 5. 3- Vùng Đồng bằng sông Hồng: độ cao 0 – 200 m so với mặt nước biển. Các vụ chính là vụ Xuân, gieo trong tháng 02, vụ Thu gieo trong tháng 8 và vụ Đông gieo cuối tháng 9 đầu tháng 10. 4- Vùng Bắc Trung bộ: độ cao 0 – 200 m so với mặt nước biển. Các vụ chính là vụ Xuân, gieo trong tháng 01 và tháng 02, vụ Thu gieo trong tháng 8 và vụ Đông gieo tháng 10. 5- Vùng Tây Nguyên: độ cao 400- 900 m so với mặt nước biển. Vụ chính là vụ Hè Thu, gieo vào tháng 4, đầu tháng 5. 6- Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: độ cao 0 – 1.000 m so với mặt nước biển. Vụ chính là vụ Hè Thu, gieo vào tháng 4, vụ Đông Xuân gieo trong tháng 11, đầu tháng 12. 7- Vùng Đông Nam bộ: độ cao 0 – 400 m so với mặt nước biển. Vụ chính là vụ Hè Thu, gieo vào cuối tháng 4, vụ Đông Xuân gieo trong tháng 11, đầu tháng 12. 8- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: độ cao 0 – 400 m so với mặt nước biển. Vụ chính là vụ Đông Xuân gieo trong tháng 11, tháng 12. Ngày nay, theo các nhà khoa học CIMMYT sinh thái cây ngô được phân thành 4 vùng (Ngô Hữu Tình, 2016) [76]: – Ôn đới. – Cận nhiệt đới. – Nhiệt đới thấp (độ cao dưới 2.000 m so với mặt nước biển). – Nhiệt đới cao (độ cao trên 2.000 m so với mặt nước biển). Theo phân loại này, Việt Nam nằm trọn trong vùng sinh thái nhiệt đới thấp. Điều này đã được minh chứng bởi kết quả hàng loạt các bộ thí nghiệm quốc tế, bao gồm cả các bộ giống cận nhiệt đới và nhiệt đới cao cho vùng núi và vụ Đông ở đồng bằng Bắc bộ thực hiện trong những năm 1980. Những giống ngô có nguồn gốc cận nhiệt đới và nhiệt đới cao đều tỏ ra kém thích nghi hơn các giống có nguồn gốc nhiệt đới thấp ngay cả ở vùng cao nguyên phía Bắc hoặc vụ Đông ở Đồng bằng Bắc bộ (Ngô Hữu Tình, 2016) [76]. Hiện nay, ở Việt Nam việc phân nhóm giống ngô dựa vào thời gian sinh trưởng và vùng sinh thái gieo trồng (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011b) [5] (bảng 1.4).
25. 11 Bảng 1.4. Phân nhóm giống ngô theo thời gian sinh trưởng Nhóm giống Vùng Phía Bắc (a) Tây Nguyên (b) Duyên Hải miền Trung và Nam Bộ (b) Chín sớm (Ngắn ngày) Dưới 105 ngày Dưới 95 ngày Dưới 90 ngày Chín trung bình (Trung ngày) 105- 120 ngày 95- 110 ngày 90- 100 ngày Chín muộn (Dài ngày) Trên 120 ngày Trên 110 ngày Trên 100 ngày Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT (2011b) [5]. Ghi chú: (a) Thời gian sinh trưởng của vụ Xuân (b) Thời gian sinh trưởng của vụ Hè Thu (vụ 1). Theo Ngô Hữu Tình (1997a) [71], các nhà nghiên cứu Việt Nam như: Phạm Đức Cường, Luyện Hữu Chỉ, Trần Hồng Uy, Trương Đích, Đỗ Hữu Quốc, Võ Đình Long, Cao Đắc Điểm, Trần Hữu Miện và một số tác giả khác đều đi đến kết luận: phân nhóm thời gian sinh trưởng của ngô dựa vào tổng tích nhiệt hữu hiệu là chính xác nhất. Bởi vì một giống sẽ có thời gian sinh trưởng khác nhau khi được gieo trồng ở các vĩ độ khác nhau do nhiệt độ trung bình/ngày rất khác nhau giữa các vùng sinh thái. Hơn nữa, hiện nay các giống ngô lai rất đa dạng về kiều hình nên việc phân nhóm thời gian sinh trưởng dựa trên các chỉ số về chiều cao cây, số đốt (lóng) cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy có thể phân nhóm thời gian sinh trưởng căn cứ vào tổng nhiệt hoặc tổng tích nhiệt hữu hiệu là chính xác nhất. 1.1.2.2. Tính thích ứng của ngô ở các vùng sinh thái Một giống ngô lai để phát huy hết tiềm năng của giống, ngoài các yếu tố năng suất cao, các đặc tính nông học tốt, giống ngô lai phải có tính ổn định, tính thích nghi cao với các điều kiện môi trường sinh thái để gia tăng độ tin cậy về giống. Khi được trồng ở nhiều địa điểm để đánh giá tính thích nghi, ổn định của chúng, một số đặc điểm nông học và năng suất của chúng có thể sẽ thay đổi. Nguyên nhân chính gây ra sự khác biệt về tính thích nghi, ổn định giữa các giống là do sự tương tác giữa kiểu gen (Genotype) và môi trường (Environment). Điều này gây ra khó khăn trong việc chứng minh tính ưu thế của một giống bất kỳ (Dabholkar, 1999) [112]. Kiểu hình của một cá thể được quy định thông qua sự kiểm soát của kiểu gen và môi trường xung quanh nó. Những ảnh hưởng
26. 12 của kiểu gen và môi trường trên kiểu hình có thể không hoàn toàn độc lập. Sự thay đổi của kiểu hình trong môi trường không giống nhau ở tất cả các kiểu gen, kết quả của sự biến động kiểu hình phụ thuộc vào môi trường (Dabholkar, 1999) [112]. Khi nghiên cứu ảnh hưởng môi truờng và các loại hình sinh thái địa lý cây trồng, tác giả Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang (2007) [9], cho rằng: Kết quả phản ứng của kiểu gen sau khi tương tác với môi trường xung quanh sẽ cho một loại hình tương ứng. Đó là kiểu gen hay loại hình sinh thái địa lý trong giới hạn một loài. Kiểu sinh thái là một dạng nhất định của loài ổn định tương đối về mặt di truyền, đặc trưng bởi điều kiện đất đai, khí hậu nhất định và thích nghi để tồn tại trong điều kiện bằng sự chọn lọc. Tương tác giữa kiểu gen và môi trường (G x E) là một chức năng của những biến đổi về môi trường của những tính trạng về sinh lý, kiểu hình, hình thái, kiểu gen của các giống (Nachit et al.,1992) [134]. Việc xác định các yếu tố nguyên nhân của ảnh hưởng giữa gen và môi trường có một tầm quan trọng cho việc chọn lọc tính ổn định hoặc giới thiệu những giống cụ thể cho môi trường. Tác giả Epinat-Le Signor et al., (2001) [119], nghiên cứu với 132 tổ hợp ngô lai trên 229 môi trường trong 12 năm. Hiệp phương sai kiểu gen được dùng để phân tích về tổng của các ngày tăng trưởng cần thiết từ gieo đến nở hoa và từ nở hoa cho đến trưởng thành; nhiệt độ trung bình từ lúc gieo cho đến giai đọan 12 lá và nhiệt độ trung bình từ lúc 12 lá cho đến cuối giai đoạn làm đầy hạt; sự cân bằng nước xung quanh việc nở hoa và tổng bức xạ mặt trời xung quanh việc nở hoa. Kết quả cho thấy rằng 6 hiệp phương sai này đã giải thích khoảng 40% ảnh hưởng tương tác của toàn bộ phân tích, với sự đóng góp cân bằng của các biến đổi kiểu gen (20%) và các biến đổi môi trường (20%). Các kết quả này cũng xác định tầm quan trọng của việc kiểm tra các con lai ở các điều kiện môi trường đại diện để xác định các giống có năng suất cao và ổn định nhất. Như vậy, tương tác giữa gen và môi trường đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình chọn giống cây trồng nói chung và giống ngô nói riêng. Các tổ hợp ngô lai được lai tạo cần được đánh giá trên nhiều môi trường khác nhau để khẳng định tính ưu việt của giống. Vì vậy, trước khi khuyến cáo đưa ra sản xuất đại trà một giống ngô lai cho một vùng sinh thái nào đó cần phải đánh giá tính thích nghi, ổn định của nó tại vùng sinh thái đó. Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về tính thích nghi, ổn định của giống ngô, trong đó có ngô lai (Ngô Hữu Tình, 2003) [73]. 1.1.3. Các yếu tố sinh học và phi sinh học tác động đến sinh trưởng phát triển của cây ngô 1.1.3.1. Các yếu tố sinh học tác động đến sinh trưởng phát triển của cây ngô lai Trong các yếu tố sinh học tác động đến sinh trưởng, phát triển của cây ngô nói chung và ngô lai nói riêng là các loại sâu, bệnh hại (Ngô Hữu Tình, 2003) [73]. Số
28. 14 Nhiệt độ: Ngô là cây ưa nóng, để hoàn thành chu kỳ sống từ gieo đến chín, cây ngô cần tổng nhiệt độ từ 17000 C- 37000 C tùy thuộc vào giống. Yêu cầu đối với nhiệt độ ở các thời kỳ sinh trưởng của cây ngô rất khác nhau. Ngô có thể mọc mầm được ở nhiệt độ 12- 140 C, nhưng ở nhiệt độ này cây con phát triển rất chậm. Nhiệt độ càng tăng cây ngô càng phát triển. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp nhất cho cây ngô sinh trưởng phát triển là từ 25- 300 C (Trần Văn Minh, 2004) [50]. Nước: Là yếu tố môi trường quan trọng không thể thiếu đối với đời sống cây ngô, nó quyết định đến sinh trưởng, phát triển và năng suất ngô. Ngô là loài cây sinh trưởng nhanh, mạnh, tạo ra khối lượng chất xanh lớn, nên ngô cần một lượng nước trong suốt thời gian sinh trưởng lớn hơn nhiều các loại cây trồng khác. Trung bình một cây ngô từ gieo đến chín hoàn toàn cần 100 lít nước và trên 01 ha ngô cần khoảng 3.000- 4.000 tấn nước. Nhu cầu nước của cây ngô cũng thay đổi theo giai đoạn phát triển của cây. Ở thời kỳ đầu cây phát triển chậm, tích lũy ít chất xanh nên không cần nhiều nước. Ở thời kỳ 7- 13 lá, ngô cần 28- 35 m3 nước/ngày/ha. Thời kỳ xoắn nõn, trỗ cờ, phun râu ngô cần 65- 70 m3 nước/ngày/ha. Đây cũng là thời kỳ ngô cần nước nhiều nhất, nếu thiếu nước vào thời kỳ này năng suất hạt có thể giảm 20- 50%. Ngô là cây trồng cạn cần nhiều nước, song cũng rất nhạy cảm với độ ẩm đất cao, đặc biệt ở giai đoạn cây con tuy có khả năng chịu hạn cao, nhưng khi điểm sinh trưởng còn nằm dưới mặt đất ngô rất mẫn cảm với độ ẩm trong đất. Vào giai đoạn này chỉ cần ngập nước 2- 3 ngày cây cũng có thể bị chết. Nếu độ ẩm đất quá cao, nhất là bị úng, rễ ngô không phát triển được và cây bị vàng (Trần Văn Minh, 2004) [50]. Ánh sáng: Ánh sáng là yếu tố quan trọng cho sinh trưởng, phát triển cây ngô, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến độ dài sinh trưởng. Theo phản ứng ánh sáng thì ngô là cây ngày ngắn. Rút ngắn thời gian chiếu sáng trong ngày vào khoảng 8- 12 giờ làm cho phát triển của cây ngô cũng ngắn lại. Nếu kéo dài số giờ chiếu sáng trong ngày, ngô sinh trưởng kéo dài ra và quá trình phát triển chậm lại (Trần Văn Minh, 2004) [50]. Ngoài độ dài chiếu sáng, cường độ và chất lượng ánh sáng cũng là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây ngô. Khi nghiên cứu mối tương quan giữa năng suất ngô và bức xạ mặt trời, Hulum J, (1957) nhận thấy rằng để có năng suất ngô cao cần thiết, các giờ chiếu sáng của mặt trời so với tổng lý thuyết là 55- 64% vào tháng 5; 45- 54% vào tháng 6; và 55- 74% vào tháng 7, 8 và 9. Độ dài chiếu sáng dưới 55% vào các tháng 7, 8 và 9 sẽ làm giảm năng suất ngô dưới mức bình thường (dẫn theo Trần Văn Minh, 2004) [50]. Đất đai: Đất đai thích hợp nhất đối với cây ngô là đất có độ phì nhiêu cao, giữ nước và thoát nước tốt, tầng canh tác sâu, có độ ẩm 70- 80%, pH thích hợp là 6- 7, phạm vi chịu được độ pH của ngô là từ 5- 8. Ngô là loài cây có khả năng tạo ra sinh khối lớn, nên thường lấy đi nhiều chất dinh dưỡng từ đất. Để ngô đạt năng suất cao, ngoài việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng và nước, còn cần phải chú ý đến độ thoáng khí
29. 15 của đất. Chế độ không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và phát triển của bộ rễ cây ngô, qua đó ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngô. Ngoài ra, chế độ không khí trong đất còn ảnh hưởng nhiều đến cây ngô thông qua hoạt động của tập đoàn vi sinh vật trong đất cũng như quá trình biến đổi các chất trong đất (Trần Văn Minh, 2004) [50]. Trong không khí ở đất, cây ngô không chỉ sử dụng O2 mà còn sử dụng cả CO2. Nhiều công trình nghiên cứu cho biết 12- 15% lượng CO2 cây sử dụng quang hợp là do cây lấy từ trong đất, do rễ cây hút được. Tất cả các bộ phận của cây ngô, kể cả rễ đều tiến hành hô hấp, hút O2 và thải CO2.. Lượng O2 cây cần nhiều, 1 gam chất khô rễ cây trong 1 ngày đã sử dụng 0,35- 1,43mg O2. Nhu cầu về O2 mức cao nhất khi ngô ra hoa, phơi màu. Trong đất có đủ O2 rễ ngô ăn sâu, có nhiều lông hút cho nên cây hút được nhiều chất dinh dưỡng từ đất. Trong điều kiện đất bí, thiếu không khí, rễ phát triển kém dẫn đến ngô cho năng suất thấp. Vì vậy, để cây có thể sinh trưởng tốt cho năng suất cao, cần duy trì một lượng O2 thích hợp trong đất, bằng cách cải thiện chế độ không khí của đất thông qua các biện pháp kỹ thuật canh tác như: làm đất, xới xáo và thực hiện chế độ tưới tiêu hợp lý (Trần Văn Minh, 2004) [50]. Dinh dưỡng: Đến nay đã có 92 nguyên tố được tìm thấy trong cây qua phân tích, nhưng chỉ cần 16 nguyên tố để cây tăng trưởng tốt, gọi là các nguyên tố dinh dưỡng, bao gồm: C, H, O, N, P, K, Ca, Mg, S, Fe, Zn, Mn, Cu, B, Mo, Cl (Lê Thanh Bồn, 2006) [8]. Trong số đó thì các nguyên tố C, H và O có nguồn gốc từ không khí và nước, các nguyên tố dinh dưỡng còn lại nguồn cung cấp chủ yếu cho ngô là từ đất, cho nên gọi là các nguyên tố dinh dưỡng trong đất, được chia ra: Nhóm nguyên tố dinh dưỡng đa lượng là những nguyên tố có hàm lượng trong cây từ 2- 30g/kg chất khô, gồm 6 nguyên tố là: Các nguyên tố dinh dưỡng chính: N, P, K; Các nguyên tố dinh dưỡng thứ yếu: Ca, Mg, S (Lê Thanh Bồn, 2006) [8]. Nhóm nguyên tố dinh dưỡng vi lượng là những nguyên tố có hàm lượng trong cây từ 0,3- 50 mg/kg chất khô, gồm 7 nguyên tố đó là: Fe, Zn, Mn, Cu, Mo, B, Cl (Lê Thanh Bồn, 2006) [8]. Nhóm nguyên tố dinh dưỡng siêu vi lượng: là những nguyên tố hàm lượng ít đến mức khó phát hiện, nhưng vẫn có vai trò quan trọng đối với cây như: Na, Si, Co, Al, Ba, Pb, Ti, Ag (Lê Thanh Bồn, 2006) [8]. Theo Ngô Hữu Tình (2003) [73], để tạo ra 1 tấn hạt, cây ngô lấy đi khỏi đất trung bình 1 lượng NPK là: 22,3 kg N; 8,2 kg P2O5; 12,2 kg K2O. Để đạt năng suất cao và ổn định, ngô cần được bón phân cân đối, đặc biệt là các yếu tố đa lượng N, P, K. Điều này đã được chứng minh rất rõ qua các thí nghiệm bón
30. 16 các tổ hợp phân cho ngô trong suốt 28 vụ của Viện Kali Quốc tế cho thấy chỉ có bón cân đối N, P, K năng suất ngô mới cao và ổn định (Viện Lân- Kali Atlanta, 1996) [94]. Tóm lại, để cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt được năng suất cao và ổn định, ngô cần được đáp ứng đủ các yếu tố như nhiệt độ, nước, ánh sáng, đất đai, dinh dưỡng. Trong đó, chú ý cung cấp đủ và cân đối các yếu tố dinh dưỡng, đặc biệt là các yếu tố đa lượng N, P, K và phải kiểm soát được các loại sâu bệnh gây hại, hạn chế sự phá hoại ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng ngô. 1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI 1.2.1. Vai trò của ngô trong nền kinh tế Với vai trò làm lương thực cho người (17%), thức ăn cho chăn nuôi (70%), làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và các ngành công nghiệp nhẹ khác (khoảng 10%) (Ngô Hữu Tình, 2009) [74]. Hiện nay, ngô đang được quan tâm đặc biệt với vai trò là nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học. Một trong những ưu thế để cây ngô giành được mối quan tâm lớn của con người, đó là khả năng sử dụng của nó, điều này được chứng minh bằng 670 mặt hàng khác nhau được sản xuất từ ngô (Trần Văn Minh, 2004) [50]. Ngô là cây lương thực cho người: Ngô là cây ngũ cốc nuôi sống gần 1/3 dân số toàn cầu, ở các nước trồng ngô nói chung đều sử dụng ngô làm lương thực ở các mức độ khác nhau. Giai đoạn 2000- 2007, khoảng 15% sản lượng ngô trên thế giới được sử dụng làm lương thực cho người, trong đó các nước Trung Mỹ, Nam Á và châu Phi coi ngô là nguồn lương thực chính. Các nước Đông Phi sử dụng 92% sản lượng ngô làm lương thực; Tây Phi 60%; Nam Á 42,6%; Đông Nam Á 34,8%; Trung Mỹ 66,3%; ở Việt Nam sử dụng trung bình 21% (FAOSTAT, 2010) [157]. Ngô làm thức ăn chăn nuôi: Ngoài tác dụng làm lương thực cung cấp dinh dưỡng cho con người, ngô còn là nguồn thức ăn và nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi rất quan trọng. Theo số liệu của FAOSTAT, trên phạm vi toàn thế giới giai đoạn 2000- 2007 đã sử dụng khoảng 65% sản lượng ngô (400- 450 triệu tấn) làm thức ăn chăn nuôi. Tỷ lệ dùng ngô làm thức ăn chăn nuôi ở các nước châu Âu lên tới 82%; Italia 97,5%; Croatia 95,5%; Trung Quốc 75,5%; Thái Lan 78%; Việt Nam cũng khoảng 79% (FAOSTAT, 2011) [158]. Ngô được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp: Ngô là nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất rượu cồn, tinh bột, dầu, glucoza, bánh kẹo… Những năm gần đây, ngô đang là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ethanol thay thế nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt dần. Năm 2011, Nước Mỹ đã sử dụng 45% sản lượng ngô để sản xuất ethanol (Necsi.edu, 2013) [161]. Ngô làm thực phẩm: Bắp ngô non có chứa nhiều chất dinh dưỡng và nhiều loại
31. 17 vitamin được sử dụng như một loại rau sạch cao cấp. Nghề trồng ngô làm rau ăn tươi và chế biến phục vụ xuất khẩu đang phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả cao ở Thái Lan, Đài Loan (Chamnan Chutkaew., 1994) [107]. Ngoài ngô rau, các loại ngô nếp, ngô đường được dùng ăn tươi hoặc đóng hộp cũng là một loại thực phẩm cung cấp cho tiêu dùng và xuất khẩu có giá trị. Ngô là nguồn hàng hoá xuất khẩu: Trên thị trường quốc tế, ngô đứng đầu trong danh sách những mặt hàng có khối lượng hàng hóa giao dịch ngày càng tăng, tỷ trọng lưu thông lớn, thị trường tiêu thụ rộng, sự cạnh tranh gữa các nước có sản lượng ngô hàng hoá ngày càng gay gắt. Thu nhập ngoại tệ từ ngô luôn là nguồn lợi lớn đối với nhiều nước (Đinh Văn Lữ, 1989) [47]. Hiện nay, hàng năm lượng ngô xuất khẩu trên thế giới khoảng 105,7 triệu tấn. Đó là nguồn lợi lớn của các nước xuất khẩu. Các nước xuất khẩu chính là Mỹ, Achentina, Brazil, Pháp. Các nước nhập khẩu chính hiện nay là Nhật Bản, Mêhicô, Hàn Quốc, Ai Cập và Châu Phi (FAOSTAT, 2014) [159]. 1.2.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô trên thế giới và Việt Nam 1.2.2.1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô trên thế giới Bảng 1.5. Tình hình sản xuất ngô của một số vùng trên thế giới năm 2014 Khu vực Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (triệu tấn) Thế giới 183.319.737 56,64 1.038,28 Châu Phi 36.997.871 20,98 77,62 Châu Mỹ 68.396.307 76,97 526,45 Châu Á 59.095.953 51,47 304,14 Châu Âu 18.751.055 69,02 129,43 Châu Đại Dương 78.552 82,07 0,64 Đông Nam Á 9.607.709 42,29 40,63 Mỹ 33.644.310 107,33 361,09 Pháp 1.848.100 100,3 18,54 Canada 1.226.600 93,6 11,49 Trung Quốc 35.981.005 59,98 215,81 Brazil 15.431.709 51,76 79,88 Ấn độ 8.600.000 27,52 23,67 Việt Nam 1.177,500 44,1 5,19 Nguồn: FAOSTAT (2017) [160]. So với lúa mỳ và lúa nước, ngô đang đứng đầu về năng suất và sản lượng, đứng thứ 2 về diện tích (FAOSTAT, 2017) [160]. Nhờ vị trí vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên sản suất ngô trên thế giới luôn được quan tâm và ngày càng phát triển.
32. 18 Trong hơn 50 năm qua, ngô là cây trồng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ba cây lương thực chủ yếu (lúa mì, lúa nước, ngô), đặc biệt là năng suất. Năm 1961, diện tích trồng ngô trên thế giới chỉ đạt 105,5 triệu ha, năng suất 19,4 tạ/ha và tổng sản lượng là 205,0 triệu tấn. Đến năm 2014, diện tích trồng ngô đã lên tới 183,3 triệu ha với năng suất 56,64 ta/̣ha và tổng sản lượng đạt 1.038,28 triệu tấn (FAOSTAT, 2017) [160]. So với năm 1961, diện tích trồng ngô tăng 74,5%, năng suất tăng 184% và tổng sản lượng vượt 395%. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong sản xuất ngô trên toàn thế giới giai đoạn 1961- 2013 về diện tích là 1,4%, năng suất là 3,5% và sản lượng là 7,4%. Trong những năm gần đây, diện tích trồng ngô trên thế giới không tăng mạnh như những năm cuối thế kỷ XX do diện tích đất canh tác có giới hạn, tuy nhiên sản lượng ngô lại có xu hướng tăng là do năng suất ngô ngày càng được cải thiện nhờ áp dụng các giống ngô lai và các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Mỹ luôn là cường quốc số một về ngô, chiếm vị trí thứ hai về diện tích và đứng đầu về sản lượng ngô, đồng thời cũng là một trong những nước có năng suất ngô cao nhất. Mỹ là nước sử dụng giống ngô lai vào sản xuất đại trà đầu tiên trên thế giới, nhờ đó mà năng suất ngô bình quân từ 15,0 tạ/ha năm 1930 lên 39,0 tạ/ha năm 1961 và 95,9 tạ/ha vào năm 2010. Năm 2014, diện tích gieo trồng ngô ở Mỹ là 33,64 triệu ha, năng suất trung bình đạt 107,33 tạ/ha và sản lượng đạt 361,09 triệu tấn (FAOSTAT, 2017) [160]. Hiện nay 100% diện tích trồng ngô ở Mỹ được sử dụng giống ngô lai trong đó 90% là giống lai đơn. Xu hướng phát triển của cây ngô trên phạm vi toàn thế giới có những thay đổi đáng chú ý. Nếu những năm 1970, hơn một nửa sản lượng ngô toàn thế giới tập trung ở Mỹ, thì những năm gần đây diện tích và sản lượng ngô tăng lên đáng kể ở các khu vực khác trên toàn cầu. Nhịp độ tăng trưởng cao được đánh dấu ở các nước thuộc khu vực châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, cây ngô là cây ngũ cốc quan trọng thứ 2 sau cây lúa nước, đóng vai trò là cây lượng thực chủ lực ở Indonesia, Philippines và Việt Nam, đồng thời là một nguồn tạo ra thu nhập chính cho nông dân ở các nước này (Thanh Ha et al., 2004) [148]. Hiện nay, Trung Quốc là nước đứng đầu về diện tích trồng ngô và có sản lượng đứng thứ hai trên thế giới. Năm 2014, diện tích trồng ngô ở Trung Quốc là 35,98 triệu ha với năng suất 59,98 tạ/ha và sản lượng đạt 215,81 triệu tấn. Đứng thứ 3 về diện tích trồng ngô trên thế giới là Brazil đạt 15,43 triệu ha với năng suất 51,76 tạ/ha và sản lượng 79,88 triệu tấn. Tiếp theo là Ấn Độ 8,6 triệu ha với năng suất 27,52 tạ/ha và sản lượng là 23,67 triệu tấn (FAOSTAT, 2017) [160]. Tổng lượng xuất khẩu ngô thế giới năm 2014 đạt 1.016,74 triệu tấn. Trong đó Mỹ là nước có lượng ngô hạt xuất khẩu lớn nhất thế giới, đạt 45,9 triệu tấn (chiếm
33. 19 43,4%), Achentina 15,8 triệu tấn (chiếm 14,9%), Brazil 9,5 triệu tấn (chiếm 9,0%). Năm 2014, những nước nhập khẩu lượng ngô hạt lớn đó là: Nhật Bản 15,3 triệu tấn, Mêhicô 9,5 triệu tấn, Hàn Quốc 7,8 triệu tấn và Ai Cập 7,0 triệu tấn (FAOSTAT, 2014) [159]. Nhu cầu ngô của toàn thế giới tập trung trên 80% ở các nước đang phát triển và chỉ khoảng 10% từ các nước công nghiệp. Các nước đang phát triển sẽ phải tự đáp ứng nhu cầu của mình trên diện tích ngô hầu như không tăng (James, 2010) [125]. Theo CIMMYT (2011) [110], dự báo từ năm 2011- 2050, nhu cầu về ngô ở các nước đang phát triển sẽ tăng gấp đôi và đến năm 2025 ngô sẽ trở thành cây trồng có nhu cầu sản xuất lớn nhất trên toàn cầu và ở các nước đang phát triển. 1.2.2.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô ở Việt Nam Bảng 1.6. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô ở Việt Nam từ năm 2000- 2016 Năm Diện tích (1.000ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (triệu tấn) 2000 730,2 27,5 2,01 2001 729,5 29,6 2,16 2002 816,0 30,8 2,51 2003 912,7 34,4 3,14 2004 991,1 34,6 3,43 2005 1.052,6 36,0 3,79 2006 1.033,1 37,3 3,85 2007 1.067,9 38,5 4,11 2008 1.140,2 40,1 4,57 2009 1.089,2 40,1 4,37 2010 1.125,7 41,1 4,63 2011 1.121,3 43,1 4,83 2012 1.156,6 43,0 4,97 2013 1.170,4 44,4 5,20 2014 1.179,0 44,1 5,19 2015 1.179,3 44,8 5,28 2016* 1.100,0 46,0 5,10 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2005, 2010, 2012, 2016) [77];[78];[79];[80]; (*) (Cục Trồng trọt, 2016)[20]. Ở Việt Nam, cây ngô giữ vị trí là cây màu số một và là cây lương thực thứ hai sau cây lúa. Cây ngô không chỉ cung cấp lương thực cho người, thức ăn cho vật nuôi mà còn là cây trồng xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011a) [4].
34. 20 Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi các giống ngô lai được đưa vào sản xuất đã tạo ra những bước tiến nổi bật trong sản xuất ngô ở nước ta. Năm 1991, diện tích trồng ngô lai toàn quốc mới chỉ là 500 ha chiếm 0,1% tổng diện tích trồng ngô. Năm 1996 diện tích ngô lai đã lên tới 230 ngàn ha chiếm 40% diện tích và 74% về sản lượng (Quách Ngọc Ân, 1997) [1]. Năm 2000, diện tích trồng ngô lai chiếm 65% góp phần đưa năng suất ngô bình quân cả nước đạt 27,5 tạ/ha. So với các nước có nghề trồng ngô phát triển trên thế giới thì tốc độ sử dụng giống ngô lai ở nước ta được đánh giá là khá nhanh và vững chắc. Giai đoạn 2005- 2015, sản xuất ngô trong nước có xu hướng tăng và từng bước ổn định, hình thành ngành sản xuất lớn với những thành tựu vượt bậc trên cả 3 phương diện: diện tích, năng suất, sản lượng, đưa vị trí nước ta đứng thứ 59/166 về năng suất trong các nước trồng ngô (Đỗ Văn Ngọc, 2016) [53]. Năm 2016, diện tích trồng ngô cả nước ước đạt 1,1 triệu ha, trong đó khoảng 90% diện tích là sử dụng các giống ngô lai đã góp phần quan trọng trong việc nâng năng suất ngô trung bình toàn quốc đạt 46,0 tạ/ha (tăng khoảng 67,3% so với năm 2000), tổng sản lượng đạt khoảng 5,1 triệu tấn (Cục Trồng trọt, 2016) [20]. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê cho thấy năng suất ngô của Việt Nam năm 2016 đạt 46,0 tạ/ha vẫn còn thấp hơn nhiều so với năng suất bình quân của thế giới năm 2014 (56,6 tạ/ha) và thấp hơn rất nhiều so với năng suất ngô ở các nước phát triển như Mỹ (107,33 tạ/ha), Pháp (100,3 tạ/ha), Canada (93,6 tạ/ha) và Trung Quốc (59,98 tạ/ha) (Cục Trồng trọt, 2016) [20]; FAOSTAT (2017) [160]. Nguyên nhân là do sản xuất ngô nước ta hiện nay đang đối mặt với nhiều thánh thức đó là biến đổi của khí hậu ngày càng phức tạp, nguồn nước ngọt khan hiếm, hạn hán, lũ lụt, mưa bão diễn biến thất thường, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất ngô trong nước. Mặc khác, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngô ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, các giống ngô có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết bất thuận, cho năng suất cao chưa nhiều. Việc nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác đã được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của giống mới, vì vậy năng suất ngô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của giống. Nhu cầu ngô ở nước ta ngày một tăng, năm 1990 nhu cầu của cả nước là 636,9 nghìn tấn thì đến năm 2010 nhu cầu lên tới 6.266,5 nghìn tấn, mặc dù sản lượng ngô trong nước trong những năm qua tăng mạnh nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong thập kỷ qua (2005- 2015), lượng ngô nhập khẩu tăng nhanh từ 236,3 nghìn tấn năm 2005 lên 2.260,0 nghìn tấn vào năm 2013 và đạt mức kỷ lục 5.627,2 nghìn tấn năm 2015 (Đỗ Văn Ngọc, 2016) [53]. Trong thời gian tới, ngô không chỉ được sử dụng làm lương thực cho người, sản xuất thức ăn chăn nuôi mà còn được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến cồn sinh học, như vậy ngô tiếp tục đóng một vai trò ngày càng
35. 21 quan trọng, góp phần chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phát triển an toàn, bền vững và đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu ngô hạt ngày càng tăng, cần phải mở rộng diện tích ngô vùng đồng bằng sông Hồng trên cơ sở tăng diện tích ngô vụ Đông; Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc mở rộng diện tích theo hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô; Các vùng còn lại mở rộng diện tích ngô trên đất luân canh và chuyển đổi một số diện tích trồng lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng ngô (Đỗ Văn Ngọc, 2016) [53]. Đây là những thách thức lớn, không những mở rộng diện tích mà đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng giống, quy trình canh tác, ứng dụng cơ giới hóa, tưới tiêu để nâng cao tổng sản lượng ngô sản xuất tại Việt Nam (Trần Kim Định và cs, 2015) [27]. 1.2.2.3. Tình hình sản xuất ngô ở tỉnh Quảng Ngãi Bảng 1.7. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô ở Quảng Ngãi từ năm 2000- 2016 Năm Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) 2000 7.673 32,5 24.902 2001 8.411 35,7 30.059 2002 8.391 38,9 32.653 2003 8.515 42,2 35.920 2004 9.496 44,5 42.274 2005 9.526 46,9 44.723 2006 10.154 49,4 50.251 2007 10.538 50,2 52.887 2008 10,630 50,5 53.673 2009 10.847 46,3 50.210 2010 10.289 50,3 51.752 2011 10.248 51,4 52.624 2012 10.596 52,2 55,348 2013 10.613 53,0 56.233 2014 10.476 55,0 57.665 2015 10.228 55,0 56.271 2016 10.358 56,8 58.815 Nguồn: Cục Thống kê Quảng Ngãi (2001, 2007, 2012, 2017) [12]; [13]; [14]; [15]. Quảng Ngãi là tỉnh sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng nông nghiệp nói chung và cây ngô nói riêng như nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá. Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của Quảng Ngãi, cây ngô
Lợi Ích Và Tác Hại Cà Phê
Cà phê là thức uống yêu thích của nhiều người trên thế giới. Ước tính toàn cầu tiêu thụ gần 2,25 tỷ tách cà phê mỗi ngày.
Cà phê tốt cho sức khỏe
Sự tỉnh táo về tinh thần: Uống cà phê và các đồ uống có chứa caffeine giúp tăng sự tỉnh táo và hoạt động tư duy hiệu quả hơn.
Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng: Một số nghiên cứu cho thấy uống nhiều hơn 3 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư trực tràng.
Ngăn ngừa bệnh Parkinson: Có bằng chứng cho thấy những người uống đồ uống có chứa cafein như cà phê, trà, cola làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Ngăn ngừa sỏi mật: Cung cấp ít nhất 400 mg caffeine mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ sỏi mật phát triển.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2: Uống cà phê có chứa caffeine làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nghiên cứu cho thấy người lớn Nhật Bản người uống 3 tách cà phê mỗi ngày giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 so với những người chỉ uống một ly mỗi ngày hoặc ít hơn là 42%.
Giảm bệnh gout: Cà phê làm giảm triệu chứng bệnh gout bằng cách giảm nồng độ acid uric trong máu. Uống 4-5 tách cà phê mỗi ngày giảm 40% nguy cơ mắc bệnh gout.
Tác dụng không mong muốn của cà phê
Cà phê có chứa caffeine có thể gây ra chứng mất ngủ, căng thẳng và bồn chồn. Uống nhiều cà phê sẽ thúc đẩy việc tăng sản xuất các hormone căng thẳng như cortisol, epinephrine và norepinephrine. Những hóa chất này làm tăng nhịp tim, huyết áp và căng thẳng. Tiêu thụ caffeine có thể làm tăng huyết áp ở những người đã bị cao huyết áp.
Nhiều axit được tìm thấy trong hạt cà phê có thể gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non. Uống cà phê khi dạ dày trống rỗng có thể kích thích dạ dày tăng tiết axit. Uống cà phê cũng có thể gây kích ứng niêm mạc ruột non, gây tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích.
Trào ngược axit và ợ nóng có thể được gây ra bởi cà phê do cách nó làm giãn cơ vòng thực quản dưới (các cơ vòng này sẽ đóng kín lại sau khi chúng ta ăn để ngăn không cho thức ăn và axit trong dạ dày trào ngược lên trên thực quản).
Uống cà phê không lọc có thể làm tăng cholesterol trong máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
Có một số lo ngại rằng uống nhiều hơn 5 cốc cà phê mỗi ngày có thể không an toàn cho người bị bệnh tim. Đối với những người không có bệnh tim, uống vài tách mỗi ngày dường như không làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
Cà phê có thể an toàn cho phụ nữ mang thai nếu uống 2 cốc cà phê mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, uống nhiều hơn có thể tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, bé sinh ra nhẹ cân.
Uống 1 hoặc 2 ly cà phê mỗi ngày an toàn đối với các bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh nhưng caffeine với số lượng lớn có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, gây khó ngủ và khó chịu.
Uống cà phê có chứa caffeine có thể làm tăng lượng canxi được đưa ra ngoài qua nước tiểu. Điều này có thể làm suy yếu xương. Nếu bạn bị loãng xương, hạn chế tiêu thụ caffeine ít hơn 300 mg mỗi ngày (khoảng 2-3 tách cà phê).
Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy
Cập nhật thông tin chi tiết về Quy Trình Kỹ Thuật Canh Tác Cây Cà Phê Chè trên website Nhatngukohi.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!